TPHCM sẽ hỗ trợ người trẻ tình nguyện về công tác tại cơ sở

16:25 17/05/2021

Ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, TPHCM đang tiến tới xây dựng đô thị thông minh, đó không chỉ đơn thuần là trình độ khoa học đơn giản mà là một chuỗi hệ thống vấn đề. Nếu sinh viên tốt nghiệp ra trường tình nguyện về các phường, xã công tác thì ngoài tiền lương, TPHCM sẽ bằng mọi cách hỗ trợ thêm để cổ vũ các bạn trẻ yên tâm công tác, phát triển bản thân.

Ngày 17-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri là giảng viên, sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP Thủ Đức với ứng cử viên ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 1.

Đơn vị bầu cử số 1 gồm 5 ứng cử viên: Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn. 

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc trực tiếp với 200 cử tri tại Hội trường Trần Chí Đáo, Nhà Điều hành Đại học Quốc gia TPHCM và tiếp xúc trực tuyến trên fanpage của Đại học Quốc gia TPHCM, fanpage của các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TPHCM và fanpage của các trường đại học trên địa bàn TP Thủ Đức.

Cử tri trẻ quan tâm đến giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, TPHCM trình bày tiểu sử của các ứng cử viên ĐBQH, các ứng cử viên trình bày chương trình hành động trước cử tri. Các ứng cử viên đều khẳng định sẽ gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri; thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cử tri.

Cử tri đề đạt nguyện vọng trước ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Ảnh: THU HƯỜNG
Cử tri đề đạt nguyện vọng trước ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Ảnh: THU HƯỜNG

Đề đạt nguyện vọng với ứng cử viên ĐBQH, cử tri giảng viên, sinh viên đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng hoạt động đoàn cũng như giải pháp để hạn chế những vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đến người xem như hiện nay...

Cử tri, Nguyễn Đoàn Xuân Trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trăn trở chất lượng cán bộ đoàn chuyên trách ở các địa phương chưa thực đồng đều, dẫn đến chất lượng hoạt động đoàn chưa cao. Qua đó, cử tri gửi gắm các ứng cử viên ĐBQH có giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ đoàn.

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM còn trăn trở trước thực trạng một bộ phận lớn lao động trẻ trong các khu công nghiệp chưa tham gia tổ chức đoàn; đồng thời mong muốn có giải pháp hiệu quả để tập hợp thanh niên trong khối công nhân lao động vào tổ chức đoàn.  

Là sinh viên Đại học Luật TPHCM, cử tri Hoàng Lê Khoa nêu ý kiến về phong trào khởi nghiệp. Theo cử tri Hoàng Lê Khoa, phong trào khởi nghiệp ở TPHCM hiện rất mạnh với các hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng nhưng sinh viên Luật thì rất khó tham gia hệ sinh thái này. Cử tri Hoàng Lê Khoa kỳ vọng trong tương lai sẽ có những kênh thông tin, nền tảng kết nối tinh thần khởi nghiệp của người trẻ mà ở đó phát huy được vai trò của sinh viên Luật.

Cử tri nêu ý kiến về các vấn đề liên quan công tác đoàn tại buổi tiếp xúc với ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Ảnh: THU HƯỜNG
Cử tri nêu ý kiến về các vấn đề liên quan công tác đoàn tại buổi tiếp xúc với ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Ảnh: THU HƯỜNG

Quan tâm sức khỏe tinh thần của thanh thiếu nhi và sinh viên, cử tri Tô Thanh Minh mong muốn khi trở thành ĐBQH, song song với các giải pháp về giáo dục kiến thức, các ứng cử viên sẽ quan tâm đến giáo dục tâm lý để đảm bảo học sinh, sinh viên phát triển đồng bộ.

Đặc biệt, trong những ý kiến của cử tri trẻ dành cho ứng cử viên ĐBQH có nội dung liên quan giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên, thanh niên hiện nay và đề đạt mong muốn có giải pháp để đẩy mạnh vấn đề này; đồng thời khắc phục tình trạng "nhạt đảng, khô đoàn, thờ ơ chính trị" của một bộ phận người trẻ hiện nay.

Ngoài ra, các cử tri cũng băn khoăn về các chính sách an sinh xã hội cho lao động nhập cư; chính sách tiền lương đối với người thu nhập thấp, các cán bộ, chiến sĩ công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tìm giải pháp để chăm lo cho người lao động

Trao đổi với cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ trân trọng trước các ý kiến rất xác đáng, đặt ra nhiều vấn đề lớn và mang tầm cả nước mà cử tri nêu ra.

Liên quan chính sách dành cho lao động nhập cư, ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, từ lâu bản thân ông đã không dùng thuật ngữ “lao động nhập cư” bởi cách gọi này chưa thể hiện hết được sự năng động và giá trị đóng góp của lực lượng lao động ở các địa phương.

“Tôi cho rằng đó là cách nhìn phiến diện vì không nhìn thấy được những giọt mồ của người lao động rơi trên thành phố mình, đã đóng góp vào sự phát triển chung của TPHCM”, ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ; đồng thời cho rằng vấn đề chăm lo an sinh xã hội là vấn đề chung, trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phân biệt người thường trú hay tạm trú.

Ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức, 17-5-2021. Ảnh: THU HƯỜNG
Ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức, 17-5-2021. Ảnh: THU HƯỜNG

Lấy ví dụ, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú 2020, tới đây sẽ bỏ sổ hộ khẩu, hay TPHCM cũng đã bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, qua đó ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê tái khẳng định thuật ngữ “lao động nhập cư” không còn phù hợp.

Tuy nhiên, ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê cũng nhìn nhận, giải pháp để chăm lo an sinh xã hội cho người lao động là vấn đề lâu dài và được Quốc hội xem xét thường xuyên, nhằm tạo cho mọi người cuộc sống bình an, giảm thiểu lo lắng.

Ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê cam kết, nếu trở thành ĐBQH, sẽ tiếp tục tham gia cùng các ngành, các cấp tìm thêm những giải pháp hiệu quả nhất để chăm lo cho người lao động.

Liên quan đến cải cách tiền lương, chính sách đối với người thu nhập thấp, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ công tác tại vùng sâu vùng xa, theo ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê, đây là vấn đề lớn, phải xem xét đến ngân khố quốc gia. Ứng cử viên phân tích tình hình đất nước trong bối cảnh nợ công tăng cao, dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế cả nước, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt nhưng tỷ lệ tăng trưởng chưa cao. Do vậy, vấn đề tiền lương vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng.

Riêng đối với TPHCM, ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, TPHCM đang tiến tới xây dựng đô thị thông minh, đó không chỉ đơn thuần là trình độ khoa học đơn giản mà là một chuỗi hệ thống vấn đề. Qua đó, ứng cử viên khẳng định, nếu sinh viên tốt nghiệp và tình nguyện về các phường, xã công tác thì ngoài tiền lương, TPHCM sẽ bằng mọi cách hỗ trợ thêm để cổ vũ các bạn trẻ yên tâm công tác, phát triển bản thân.

Trước trăn trở của cử tri sinh viên về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho người trẻ hiện nay, ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định đây là vấn đề lớn, giải pháp đòi hỏi phải bền bỉ, lâu dài. Bởi một thói quen không dễ thay đổi mà bằng sự giáo dục, bằng sự thẩm thấu dần dần, tích tụ chuyển đổi thành nhận thức và hành động.

Theo ứng cử viên Phan Nguyễn Như Khuê, hiện TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Ứng cử viên tin tưởng thế hệ sinh viên hiện nay cũng đang không ngừng học Bác, học từ những vấn đề hết sức bình dị, qua đó góp phần xây dựng đạo đức xã hội, trân trọng, yêu quý cái đẹp, góp phần đẩy lùi cái xấu và lan tỏa những điều tốt đẹp.

Trao đổi thêm với cử tri, ứng cử viên Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, "tránh nhạt đảng, khô đoàn, thờ ơ chính trị" của người trẻ hiện nay là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Đảng giao.

Ứng cử viên Nguyễn Anh Tuấn thông tin, hiện nay Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”. Trong đó có những chương trình giáo dục thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Lý giải nguyên nhân Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng thực hiện trong thời gian dài 15 năm, ứng cử viên Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các vấn đề tác động đến tư tưởng, lối sống đòi hỏi phải thực hiện một cách thường xuyên, kiên trì, bền bỉ. Bên cạnh việc giáo dục lớp thanh niên hôm nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có một lớp thanh niên mới hội tụ được đầy đủ các yếu tố về thể lực, tầm vóc, trí tuệ, đặc biệt là lối sống của một công dân Việt Nam - công dân toàn cầu có lý tưởng cách mạng, không còn tình trạng "nhạt đảng, khô đoàn, thờ ơ chính trị".

THU HƯỜNG/SGGP

Tin cùng chuyên mục