Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch được đề ra hàng năm đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Khách du lịch quốc tế đến TP chiếm hơn 50% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch nội địa bằng khoảng 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước, tổng doanh thu du lịch của TP bằng 1/4 doanh thu du lịch cả nước. Vị trí của ngành du lịch TP ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch của TP đã trải qua sự tăng trưởng liên tục và đa dạng hóa sâu rộng để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất. Từ năm 2015 đến 2018, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của TP đã tăng đáng kể, đạt 6,9% trong năm 2018, tăng 0,6% từ năm 2015.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch. Cụ thể, trong tháng 1 và tháng 2, lượng khách du lịch đến TP đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 cũng như những chính sách quyết liệt trong ứng phó với dịch tại Việt Nam.
Điều này đã kéo theo sự sụt giảm trong doanh thu du lịch, tuy nhiên tốc độ giảm của doanh thu du lịch tương đối chậm hơn so với lượng khách du lịch do đặc điểm của khách du lịch Trung Quốc là du lịch theo tour và có mức chi tiêu không cao, đồng thời lượng khách du lịch đến từ các thị trường khác vẫn còn đang lưu trú tại TP.
Đến tháng 3, khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu” thì ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP nói riêng gần như tê liệt hoàn toàn. Số lượng khách du lịch quốc tế cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng.
Lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch TP trong Quý I/2020 đã có sự sụt giảm mạnh, trong đó khách quốc tế giảm 42,46% và doanh thu du lịch giảm 26% so với cùng kỳ thay vì có sự tăng trưởng đều như những năm trước đây.
Bên cạnh đó, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành trong tháng 1, tháng 2 giảm từ 50%-60% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3 lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Đặc biệt có một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95%-100%.
Theo báo cáo của 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp thì tình hình kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; Kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%.
Cùng với đó, số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỷ lệ cao. Tính đến thời điểm hiện nay, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP đã tạm ngưng phục vụ khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, Sở Du lịch đã xây dựng và triển khai kịp thời Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra trong lĩnh vực du lịch cũng như kế hoạch giảm tác động đối với ngành du lịch TP trong và sau dịch bệnh.
Cụ thể: Sở Du lịch TP đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phản ứng nhanh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sở đã phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát khách du lịch hiện đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh theo mô hình Homestay/Airbnb trên địa bàn.
Tăng cường thực hiện công tác truyền thông đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách du lịch bằng các hình thức, biện pháp phù hợp để chống dịch bệnh hiệu quả, như tập huấn kỹ năng phòng chống dịch bệnh, phát hành 188.100 cuốn cẩm nang, phát 100.000 khẩu trang miễn phí tại các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí; tăng cường công tác truyền thông trực tuyến, giới thiệu điểm đến TP. Hồ Chí Minh “Hấp dẫn – Thân thiện – An toàn”, cụ thể: truyền thông 10.000 thư của UBND TP gửi du khách hay tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc của bánh mì Việt Nam – bánh mì Sài Gòn.
Sở cũng đã tham mưu UBND văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ các nội dung có liên quan về kiến nghị, đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Đồng thời đề ra các giải pháp phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.
Theo đó, sau khi dịch bệnh kết thúc, sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đề xuất UBND TP tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trong đó tập trung các nhóm giải pháp như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế… Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp du lịch.
Cùng với đó, Sở sẽ nghiên cứu các kịch bản để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Từ đó có những giải pháp hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, ẩm thực… phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại; triển khai nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch trên địa bàn TP bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch…