Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế, BS Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua, công tác xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Sở đề xuất tổ chức lại 2 quy trình gồm: Quy trình Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và Quy trình tổ chức điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19.
Theo đó, về Tổ chức xét nghiệm, một Phó Chủ tịch UBND TP đóng vai trò chỉ đạo chung; Phó Giám đốc Sở Y tế đóng vai trò quản lý chung; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE (trang thiết bị bảo hộ cá nhân), vật tư tiêu hao, điều phối mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm.
Các đơn vị hỗ trợ bao gồm các bệnh viện trên địa bàn TP có nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng. Các Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.
Các cơ sở xét nghiệm khẳng định COVID-19 có nhiệm vụ xét nghiệm cho cho quận huyện được phân công phụ trách và theo điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, trả kết quả. Trong đó, mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi nhận mẫu; mẫu nghi nhiễm F1 trả kết quả trong 6-10 giờ kể từ khi nhận mẫu; mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Đối với mạng lưới giám sát điều tra dịch tế truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19 được đề xuất phân làm 2 nhóm, bao gồm: nhóm phục vụ điều tra truy vết và nhóm tẩm soát mở rộng. Hoạt động điều tra truy vết được thành lập với các đội chuyên nghiệp tại địa phương với sự hỗ trợ của các Sở Thông tin và Truyền thông và Công An Thành phố.
Sở Y tế cũng đề xuất quy trình giám sát điều tra dịch tế truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19 được thực hiện theo 5 bước cơ bản.
Trong đó, bước 1 là xác định các “mốc dịch tễ” với sự tham gia của các lực lượng HCDC, Trung tâm Y tế quận/huyện, chính quyền địa phương, công an phường/xã/thị trấn.
Bước 2 là tập trung điều phối truy vết, bao gồm đội truy vết, Trung tâm y tế, chính quyền địa phương, công an phường/xã/thị trấn, lực lượng địa phương.
Bước 3 là triển khai truy vết F1 với sự tham gia của cán bộ điều tra dịch tễ (HCDC, Trung tâm y tế); đội truy vết; chính quyền địa phương; công an phường, xã, thị trấn và lực lượng tại địa phương.
Bước 4 là rà soát và hoàn tất danh sách F1, bao gồm bộ phận điều phối tổng hợp danh sách F1 từ các đội điều tra; nhập dữ liệu; thông báo danh sách F1 tới chính quyền địa phương.
Bước 5 gồm tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm, do Ban Chỉ đạo chính quyền địa phương chỉ đạo. Trung tâm y tế tiếp tục rà soát, sàng lọc các trường hợp liên quan.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho rằng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh, tập trung giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19. Việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cần xác định phương châm thực hiện trật tự, huy động người dân theo hộ, theo tổ dân phố, áp dụng hình thức lấy mẫu cuốn chiếu kết hợp phân chia theo giờ hợp lý, đảm bảo giãn cách. Đội ngũ lấy mẫu phải chuyên nghiệp, kinh nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ, mẫu lấy phải đạt kết quả.
Đồng thời, việc lấy mẫu phải đúng diện: khu vực phong tỏa, trọng điểm, lấy toàn bộ người dân, tầm soát điện rộng 100%. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cũng đề nghị công tác điều hành nhịp nhàng, nói đến việc thì có người làm, có người chịu trách nhiệm. Việc trả kết quả xét nghiệm phải đúng hẹn.
Bên cạnh đó, cách giao mẫu cũng cần thay đổi. Một ngày cần giao mẫu 3 lần, đảm bảo máy xét nghiệm chạy đều, phù hợp năng lực lấy mẫu xét nghiệm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, TP sẽ thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm do 01 Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt. Để đẩy nhanh tốc độ truy vết, mỗi quận huyện bổ sung thêm 10-30 nhân lực chuyên điều tra truy vết tùy theo tình hình dịch bệnh của từng quận huyện.
Bên cạnh đó, quy trình truy vết mới của Sở Y tế sẽ có sự tham gia phối hợp nhịp nhàng của Công an TP và Sở Thông tin và Truyền thông. Mạng lưới giám sát truy vết 5 bước cần triển khai nhịp nhàng, hiệu quả, kịp thời để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu nhấn mạnh, thời gian qua, việc chấp hành thông điệp 5K ở một số nơi còn chưa nghiêm, vì vậy các địa phương cần tăng cường các biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.
Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh