Sau khi nhiều bệnh viện tại khu vực phía Bắc bị phong tỏa do có bác sỹ, bệnh nhân, người nhà mắc COVID-19, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác giám sát phòng dịch COVID-19 xâm nhập.
Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào các cơ sở y tế luôn hiện hữu và cần sự cảnh giác cao độ từ phía bệnh viện cũng như ý thức tuân thủ quy định phòng dịch của người dân.
Giám sát chặt "đầu vào"
Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh sáng 7/5, tại hai cổng của bệnh viện, công tác kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.
Bất cứ người nào đến bệnh viện, dù là nhân viên y tế hay khách liên hệ công tác, người đến khám chữa bệnh đều phải dừng lại khai báo y tế, đo thân nhiệt tầm soát.
Bác sỹ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Thống Nhất tiếp đón khoảng 3.000 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân nội trú.
Nhận thức dịch bệnh có thể xâm nhập vào bệnh viện bất cứ lúc nào, ngay từ khi có dịch xuất hiện tại Việt Nam, công tác giám sát phòng dịch đã được triển khai chặt chẽ cho đến nay.
“Những ngày qua, sau khi nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc bị phong tỏa, trở thành ổ dịch COVID-19, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo tăng tăng cường hơn nữa công tác tầm soát đầu vào từ hai cổng bệnh viện. Chúng tôi tăng thêm nhân sự hỗ trợ công tác khai báo y tế, đặc biệt là thành lập một bộ phận công nghệ thông tin, giám sát thông tin từ khai báo y tế điện tử phát hiện sớm những người có yếu tố dịch tễ từ các vùng dịch về và phát cảnh báo, truy vết, làm xét nghiệm những người liên quan ngay,” bác sỹ Trương Quang Anh Vũ cho biết.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Thống Nhất đưa ra các quy định như không tổ chức thăm bệnh, mỗi người bệnh chỉ có một người nuôi bệnh nhân, hạn chế ra ngoài, nếu ra ngoài sẽ phải tầm soát, khai báo y tế lại toàn bộ khi quay trở lại.
Trong khuôn viên bệnh viện, các ghế ngồi chờ được giãn cách, dung dịch khử khuẩn được bố trí nhiều nơi. Bảo vệ luôn thường trực nhắc nhở người bệnh đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định.
Nhân viên của bệnh viện phải thực hiện khai báo y tế mỗi ngày. Bác sỹ Vũ cho biết thêm, thời gian qua, một số nhân viên của bệnh viện đã về quê ở miền Bắc và khi quay lại dù có yếu tố dịch tễ hay không đều được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi quay trở lại làm việc.
Các nhân viên y tế được khuyến cáo hạn chế rời khỏi thành phố, hạn chế đến những nơi tập trung đông người, để vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và môi trường làm việc của bệnh viện.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tất cả người dân đến khám bệnh phải đo thân nhiệt và khai báo y tế tại lối ra vào khu vực khám bệnh.
Đối với các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu khẩu trang không đúng cách, lực lượng bảo vệ sẽ nhắc nhở để người dân thực hiện nghiêm túc.
Tại các khoa, phòng, người bệnh đều được nhân viên y tế nhắc nhở liên tục việc phải đeo khẩu trang đúng quy định và ngồi giãn cách an toàn.
Bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với số lượng bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày khá đông và đa số là từ các tỉnh, thành khác đến nên công tác giám sát, phòng dịch của bệnh viện khá vất vả.
Hiện, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu đón tiếp khoảng 1.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 200 lượt xạ trị và 400 lượt hóa trị.
Để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh, bệnh viện đã thực hiện nghiêm ngặt bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch.
“Với sự xuất hiện của đợt dịch mới, để đảm bảo an toàn trong công tác khám và điều trị người bệnh, bệnh viện đã kích hoạt ở mức cao nhất quy trình phòng chống dịch; bố trí nhân lực, vật lực thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đặc biệt ở khâu khám, sàng lọc người bệnh ngay từ bước đầu; yêu cầu người bệnh, người nhà thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến khám, chữa bệnh; đồng thời nhân viên y tế của các ca trực cũng cảnh giác cao độ trong quy trình khám và xử trí người bệnh,” bác sỹ Dũng chia sẻ.
Các bệnh viện phải nâng mức cảnh giác cao nhất
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và nguy cơ các bệnh viện sẽ bị dịch bệnh xâm nhập do lưu lượng người dân đến khám chữa bệnh đông, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tăng cường công tác phòng dịch trong bệnh viện.
Các bệnh viện cần cập nhật liên tục yếu tố dịch tễ những vùng, địa phương đang có trường hợp mắc COVID-19 trên tờ khai y tế, bố trí nhân viên chuyên trách kiểm tra tờ khai y tế của người bệnh, kịp thời hướng dẫn phân luồng để người bệnh được khám sàng lọc nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường trên tờ khai y tế.
Đặc biệt, ngành Y tế thành phố đẩy mạnh việc khai báo y tế bằng cách quét mã QR trên điện thoại thông minh thay cho khai báo giấy truyền thống.
Đo thân nhiệt, rửa tay bằng robot tự động tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã có 130 bệnh viện trên địa bàn triển khai khai báo y tế điện tử. Việc này giúp giải quyết được những hạn chế của phương pháp khai báo trên giấy, giảm sự ùn tắc quá đông người cùng một thời điểm ngay tại cổng bệnh viện và mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân, thân nhân của bệnh nhân.
“Công cụ này còn giúp cơ quan quản lý giám sát, phát hiện nhanh các trường hợp có yếu tố dịch tễ để khoanh vùng, điều tra, sàng lọc ngay khi phát hiện đối tượng nguy cơ có mặt tại các cơ sở y tế,” ông Tăng Chí Thượng khẳng định.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cần nâng mức cảnh giác lên cao nhất, sẵn sàng các phương án ứng phó khi có các tình huống dịch bệnh xâm nhập.
Song song đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân khi đến các bệnh viện để khám, chữa bệnh, ngoài việc tuân thủ đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng bệnh viện cần thực hiện khai báo y tế trung thực, tuân thủ quy định 5K.
Sau khi một số bệnh viện bị phong tỏa, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản, công điện đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương với thông điệp “Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng, chống dịch COVID-19.”
Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khuyến cáo 5K, hạn chế người nhà tới thăm bệnh nhân, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2m.
Tất cả bệnh viện phải truyền thông để giảm người dân đến bệnh viện, nhất là giai đoạn dịch đang bùng phát, giảm việc thăm khám.
Bên cạnh đó, các bệnh viện phải tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn lây nhiễm chéo, thực hiện nghiêm đeo khẩu trang và phương tiện phòng hộ cá nhân theo như các văn bản quy định của Bộ Y tế hướng dẫn.
“Trong cuộc chiến chống COVID-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch bệnh COVID-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc ưu tiên đối phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về mặt lâu dài, góp phần giúp bệnh viện bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng,” ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhấn mạnh./.
Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)