Những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và bị thương.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, một số khu vực trên địa bàn thành phố có tình trạng tai nạn giao thông tăng, đặc biệt số người chết tai nạn giao thông trong quý 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), trong quý 1/2021, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tuy giảm về số vụ và số người bị thương, nhưng lại tăng về số người chết.
Cụ thể, tại thành phố đã xảy ra 505 vụ tai nạn giao thông, làm chết 148 người, bị thương 341 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 149 vụ, tăng 21 người chết, giảm 99 người bị thương.
Qua thống kê, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất tại các khu vực vùng ven thành phố. Tính đến tháng 4/2021, huyện Bình Chánh có số vụ tai nạn giao thông và số người chết cao nhất (xảy ra 23 vụ với 21 người chết); trong đó, riêng tuyến Quốc lộ 50 xảy ra 5 vụ với 6 người chết. Một số tuyến đường khác có tai nạn giao thông cao trên địa bàn huyện Bình Chánh là Quốc lộ 1, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Linh, Trần Đại Nghĩa, An Phú Tây-Hưng Long, Võ Trần Chí.
Ngoài ra, số vụ tai nạn giao thông cũng tăng tại một số khu vực khác của thành phố như: Tỉnh lộ 15, Tỉnh lộ 8, Hà Duy Phiên (huyện Củ Chi); Quốc lộ 1 (quận Bình Tân); Quốc lộ 1, TX21 (Quận 12); Đỗ Văn Dậy (huyện Hóc Môn); Nguyễn Văn Tạo, Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè); Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Phạm Hùng (Quận 8); Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp); Võ Văn Kiệt (Quận 5, Quận 6).
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông xảy ra do người và phương tiện lưu thông không đúng phần đường là nhiều nhất (chiếm 14,3%) và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong do tai nạn giao thông cao nhất (chiếm 16,6%).
Một số hạn chế hiện nay là công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng chưa triệt để ứng dụng khoa học công nghệ, chưa đủ quyết liệt để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Cùng với đó, tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Trước tình hình đó, ngày 18/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã ký văn bản triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó giao Sở Giao thông Vận tải tăng cường các giải pháp nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu theo quy định, kết hợp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý, chế tài nghiêm, đúng quy định đối với các công trình thi công chậm trễ kéo dài, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định, lưu thông ngược chiều, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn…; nghiên cứu, đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh theo quy định (kể cả nguồn dữ liệu vi phạm do các tổ chức, cá nhân ngoài ngành cung cấp) nhằm tăng tính răn đe, hiệu quả phòng ngừa đối với vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý.
Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ-đường sắt, đường thủy tăng cường kiểm tra, làm việc với các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, để tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông ngay từ quý 2/2021./.
Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)