TP.HCM: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nuôi dưỡng nguồn thu năm 2020

20:44 26/08/2020

(HMC) – Chiều 26/8/2020, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020”. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến với điểm cầu ở trụ sở UBND Thành phố, trực tuyến tại 24 quận/huyện và Trung tâm báo chí Thành phố.

TP.HCM: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nuôi dưỡng nguồn thu năm 2020
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Khang Minh

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… và các cơ quan báo đài.

Phải lượng hóa và cụ thể về nguồn thu

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP đạt hơn 21.300 tỉ đồng, tương ứng hơn 50% kế hoạch (chưa kể các dự án chưa quyết toán). So với cùng kỳ 2019, hoạt động giải ngân đầu tư công của TP cao hơn về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối.

Phân tích một số nguyên nhân làm kéo giảm tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP ngoài các nguyên nhân khách quan như tình hình dịch bệnh, việc giải tỏa mặt bằng một số dự án gặp vướng mắc trong thẩm định giá, thỏa thuận với người dân thì còn có các nguyên nhân thuộc về chủ quan. Đó là sự lỏng lẻo, thiếu quyết liệt của những người đứng đầu trong việc thực hiện dự án, giải ngân vốn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 tháng còn lại của năm 2020 cần quyết liệt hơn nữa trong công tác thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong bối cảnh dịch covid-19; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu-cơ quan chủ quản, duy trì 2 tuần lần họp giao ban giải ngân đầu tư công để đốc thúc, đẩy mạnh tiến độ dự án gỡ vướng mắc tại các dự án (đất đai, giải tỏa mặt bằng…). Một số dự án cần tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. Định kỳ kiểm tra, giải ngân và công khai danh sách các đơn vị chậm giải ngân.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị lưu ý con số giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% hiện nay là con số nhắc nhở chứ không phải thành tích. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần thúc đẩy tổng cầu nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tác động dịch Covid-19. “Mới chỉ đạt 50,5% thôi chứ không phải thành tích, thay vào đó không tăng tốc thì đến 15/10 không đạt được tỉ lệ 80% như đã đề ra” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói.

Về nguồn thu ngân sách nhà nước tại TP.HCM, theo đại diện Sở Tài chính TP, tính đến thời điểm hiện nay, nguồn thu ước thực hiện đạt hơn 216.000 tỉ đồng, đạt hơn 53% so với kế hoạch cả năm 2020 là 405.000 tỉ đồng.

Một số nguồn thu quan trọng như thu xuất nhập khẩu đến cuối năm cũng chỉ đạt 100.000 tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch.

Theo đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tình hình nguồn thu trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm, có 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 348.000. Trong khi đó có 21.226 doanh nghiệp ngưng hoạt động, giảm 126.000 tỷ đồng vốn đăng ký... Tính đến nay số tiền nợ thuế lên đến 13.000 tỷ đồng, trong đó có 9.000 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thu của các chi cục thuế quận huyện.

Trước bối cảnh này Sở Tài chính kiến nghị, TP cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch, tiếp tục cải cách hành chính, tuyên truyền sử dụng công cụ trực tuyến trong hành chính công, tăng cường đốc thúc các doanh nghiệp còn nợ đọng thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, đôn đốc người nộp thuế nộp đủ nộp đúng. Khai thác các khoản thu từ đất, khẩn trương bán đấu giá đất đã được duyệt, đối với nhà đất được duyệt bán đấu giá nhưng hết thời hạn đấu giá thì các địa phương đề xuất phương án bán đấu giá; đất đã giao nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế… Riêng đối với các nguồn thu từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn cần đẩy nhanh tiến độ kế hoạch thoái vốn của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề làm sao để tăng thu ngân sách, hiện nay tỉ lệ thu mới đạt 53,41% so với tổng dự toán cả năm, nếu không quyết liệt thì không đạt mục tiêu. “Dịch Covid-19 đã quay trở lại tác động mạnh tới miền trung và miền Bắc. Thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, góp phần bổ sung vào mục tiêu thu của trung ương nên phải nỗ lực lớn. Vì vậy các ngành, đơn vị phải lượng hóa và cụ thể về nguồn thu từ nay đến cuối năm. Cụ thể, như đất đai từ nay đến cuối năm thu được bao nhiêu, thu chỗ nào… người đứng đầu ngành phải ký vào cam kết để chịu trách nhiệm thực hiện”, Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Nỗ lực cao nhất để đến cuối năm 2020 phấn đấu giải ngân đạt trên 95% 

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương, các sở ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án… giải trình những vướng mắc tại các dự án của đơn vị mình khiến việc giải ngân vốn chậm. Đồng thời cam kết con số cụ thể về giải ngân vốn từ nay đến cuối năm.

Theo đó, lần lượt UBND quận 2, quận 5, quận 9, huyện Nhà Bè, Ban quản lý dự án Metro, Sở Giao thông vận tải,… trình bày về các vướng mắc tại dự án của đơn vị.

Lãnh đạo UBND Quận 2, cho biết đến nay đạt hơn 47% so với tổng vốn được giao là 159 tỉ đồng. Số vốn còn lại hơn 82 tỉ đồng đang vướng tập trung vào các dự án bồi thường, đặc biệt bồi thường giải tỏa các nghĩa trang…

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo Quận 2 dành thời gian hàng tuần, hàng ngày và gọi trực tiếp cho Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư để giải quyết ngay các vướng mắc. Quận 2 cam kết thúc đẩy nhanh đạt tốc độ giải ngân hơn 90% trong thời gian tới.

Tương tự, một số quận, huyện khác cũng đề nghị các sở, ngành liên quan gỡ các vướng mắc về giải tỏa mặt bằng, thẩm định giá...

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành: “Đừng vì sợ chậm trễ của mình mà gây ra khó khăn cho các cơ sở. Đừng văn bản tới văn bản lui, vướng mắc ở đâu gọi trực tiếp trao đổi, phải làm ngay, làm quyết liệt. Nếu tập trung xử lý, giao ban thường xuyên thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ cao hơn con số 50% như hiện nay. Về thẩm định giá, Hội đồng thẩm định giá đã cơ cấu người mới thay thế, tôi chỉ đạo ngay trong ngày mai bắt tay vào tháo gỡ ngay các vướng mắc, - Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, công tác giao vốn ngay từ đầu năm phải tính xem khả thi đến mức nào. Đối chất với một số sở, ngành, chủ đầu tư Chủ tịch UBND TP nói, việc giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân, khách quan như giải phóng mặt bằng nhưng có năng lực tiêu thụ vốn, năng lực quản lý kém đây là nguyên nhân chủ quan. 

TP.HCM: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nuôi dưỡng nguồn thu năm 2020 - Ảnh 1Đến cuối năm 2020 phấn đấu giải ngân đạt trên 95%. Ảnh: Khang Minh

Kết luận tại Hội nghị, chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc giải ngân vốn cho đầu tư công nhanh chóng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố giữa bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, định kỳ kiểm tra tình hình giải ngân, công khai danh sách các đơn vị chậm giải ngân gửi về Sở Tài chính và Sở Kế hoạch đầu tư thống kê. Đề nghị các Sở liên quan như tham mưu cho UBND TP có gói hỗ trợ thứ hai đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đánh giá gói hỗ trợ thứ nhất đã hỗ trợ cho doanh nghiệp có kết quả ra sao, đặt ra những vấn đề gì cần thay đổi.

Hướng ứng đợt 3 phong trào thi đua 200 ngày hướng tới Đại hội đảng các cấp, đây cũng là hoạt động có tác động trực tiếp tới tinh thần trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh việc rà soát các dự án nào vướng mắc gì để tháo gỡ ngay, Chủ tịch UBND TP cũng giao một số dự án phải khởi công trước tháng 10 (trước đại hội đảng bộ Thành phố).

Chủ tịch UBND TP đề nghị nêu cao tinh thần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đổi mới phương pháp làm việc để tạo đột phá trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

UBND TP.HCM chủ trì tổ chức giao ban 2 tuần/lần với các chủ đầu tư về tình hình giải ngân, trong đó các Sở ban ngành làm việc trước với các chủ đầu tư để nắm bắt tình hình, cũng như thống nhất phương án giải quyết.

Để tìm hướng giải quyết cho chậm giải ngân vốn đầu tư công thì cần thiết phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và không để kẽ hở xảy ra việc chậm nộp hồ sơ quyết toán dự án đầu tư công.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, cả hệ thống chính quyền, các Sở ngành và 24 quận/huyện sẽ nỗ lực cao nhất để đến cuối năm 2020 phấn đấu giải ngân đạt trên 95%.

Lãnh đạo TP cũng cam kết sẽ theo sát quá trình đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công các dự án.

“Người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân. Đến ngày 15/10 giải ngân đạt từ 80%. Cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư sẽ không được xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nên nguồn thu ngân sách cần có nhiều giải pháp. Tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường dịch vụ công cấp 3,4 trực tuyến công, thực hiện bán đấu giá tạo nguồn thu đối với các quỹ nhà đất đã được phê duyệt, áp dụng các biện pháp tiết kiệm, tiết giảm tiết kiệm 10% chi thường xuyên các việc khác, hạn chế các khoản chi ngoài dự toán... Đồng thời, rà soát các tài sản phải thu đối với các tài sản sau thanh kiểm tra. Công tác quản lý nhà công, đất công tại các quận huyện hiện nay chưa chặt chẽ, các địa phương cần thống kê lại và báo cáo UBND TP.

Tin cùng chuyên mục