Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP, giai đoạn 2011-2020, ngành y, dược cổ truyền tại TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, trong kiện toàn khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, tính đến năm 2020, mạng lưới Y học cổ truyền TP trải rộng với 1.548 cơ sở Y học cổ truyền tư nhân; 2 Bệnh viện Y được cổ truyền; 10 Bệnh viện đa khoa, 22/23 bệnh viện quận/huyện có khoa Y học cổ truyền; 24/24 quận/huyện có Hội Đông y. Tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại ở cơ sở y tế tuyến tỉnh là 8%, quận huyện 9,5% và tuyến xã là 16%
Ngoài ra, Sở Y tế đã gắn kết chặt chẽ với các cơ sở y tế, các hội nghề nghiệp, chuyên môn. Trong đó, Hội Đông y là hành viên Hội đồng tư vấn y, dược của Sở.
Liên quan đến quản lý chất lượng, Sở đã thực hiện kiểm nghiệm lấy mẫu kiểm tra chất lượng, vận động đăng kí kinh doanh dược liệu có phiếu kiểm nghiệm theo Dược điển Việt Nam. Ngoài ra, Sở Y tế cũng thực hiện kết hợp hài hoà, hiệu quả Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, phòng các bệnh di chứng tai biến mạch máu não, béo phì, cai nghiệm ma tuý, ung thư,…
Về nhiệm vụ trọng tâm, đến năm 2030, TP sẽ tập trung phát triển toàn diện Y dược cổ truyền thông qua việc tăng cường năng lực khám chữa bệnh, tăng số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, tăng tỉ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, phát triển khối tư nhân, tăng cường vai trò của hội nghề nghiệp. Đồng thời, công tác kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại cũng được quan tâm bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy, hướng đến chi trả BHYT cho thuốc sản xuất tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, chuẩn hoá tài liệu đào tạo,…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, trong thời gian tới, ngành Y tế TP đề nghị các cơ sở y tế tăng cường nghiên cứu khoa học, bảo tồn các bài thuốc quý của Việt Nam. Ngoài ra, để duy trì hiệu quả nguồn thuốc chất lượng tốt, Sở Y tế sẽ phối hợp với các Sở, ban ngành quận/huyện tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở y học cổ truyền trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành y tế TP sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và kinh phí sửa chữa, xây dựng bệnh viện y dược cổ truyền để người bệnh luôn được chữa trị bằng những kĩ thuật cao nhất.
Đánh giá cao thành tựu ngành Y tế TP đạt được trong lĩnh vực Y dược cổ truyền, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền cho biết, trong năm 2021, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản liên quan về phát triển y, dược cổ truyền. Đồng thời, về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát triển y học cổ truyền, trong thời gian tới, Cục sẽ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thuốc và dữ liệu y học cổ truyền.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh, trong năm 2021, ngành Y tế TP cần tăng cường công tác kiểm tra hành nghề y dược cổ truyền tư nhân, đặc biệt là chất lượng dược liệu.