TPHCM triển khai chương trình Bình ổn thị trường, ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19

16:02 05/04/2021

(HMC) - UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TPHCM; ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (gọi tắt là Chương trình).

TPHCM triển khai chương trình Bình ổn thị trường, ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP, kể cả khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan rộng, Chương trình sẽ gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và được triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tham gia Chương trình có các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 như Khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) với 65,65 triệu cái/03 tháng, Nước rửa tay sát khuẩn: với 4,52 triệu chai (1,7 triệu lít)/03 tháng; 10 nhóm hàng Lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…), đường RE - RS, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị.

Trong đó, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường (BOTT) chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường; các tháng Tết, lượng hàng BOTT chiếm từ 25% đến 40% nhu cầu thị trường; các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng BOTT chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, còn có 03 nhóm hàng chính yếu phục vụ mùa khai giảng năm học mới gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh. Lượng hàng BOTT chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP năm học 2021 – 2022.

04 nhóm sản phẩm sữa gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất. Trong tháng thường, lượng sữa tham gia BOTT là 23,20 tấn/tháng và 880.000 lít sữa nước/tháng; tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng sữa tham gia BOTT là 26,90 tấn/tháng và 1.114.000 lít sữa nước/tháng.

Đối tượng tham gia chương trình là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp); các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.

Để tham gia Chương trình, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gia phải có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện; có hệ thống phân phối, đại lý, mạng lưới bán hàng (ít nhất 12 điểm bán) hoạt động ổn định trên địa bàn TPHCM.

Đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ nhu cầu, khả năng và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện việc đăng ký hạn mức tín dụng cho vay với lãi suất phù hợp và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) dành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình; Xây dựng phương án cho vay và quy trình thẩm định cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời giải quyết thủ tục cho vay và giải ngân vốn vay theo quy định cho doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Xem nội dung chi tiết Kế hoạch được ban hành kèm theo Quyết định 1107/QĐ-UBND: Tại đây

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục