Sáng 12-3, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần 4. Dự lễ có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; các đồng chí lãnh đạo Trung ương và TPHCM...
“Cả thành phố đang ngóng chờ”
Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trở thành một trong những tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Khoa Xét nghiệm với 73 viên chức, người lao động thực sự trở thành ngọn cờ đầu.
Ngoài xét nghiệm các bệnh nhân đang cách ly và điều trị tại bệnh viện, còn xét nghiệm các mẫu cho Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ; phối hợp HCDC xét nghiệm trong từng ổ dịch, tầm soát trong các khu cách ly và tham gia điều tra cộng đồng…
Anh chị em thay nhau làm suốt cả giờ nghỉ trưa, làm tới tận 21 giờ đêm, có những khâu phải đảm bảo túc trực 24/24. Tủ lạnh chứa mẫu của khoa như niêu cơm Thạch Sanh, làm mê mải mà nó cứ đầy lên, đầy lên mãi.
“Nhưng cả thành phố đang ngóng đợi kết quả xét nghiệm của mình, không thể chần chừ” – đó là ý nghĩ đã thúc giục các nhân viên Khoa Xét nghiệm gồng mình trong cuộc chiến chống dịch. Đến nay, khoa đã xử lý hơn 30.000 mẫu bệnh phẩm.
Bác sĩ Trưởng khoa Đinh Nguyễn Huy Mẫn chia sẻ, cả khoa luôn trong tâm thế sẵn sàng. Nhưng không phải xét nghiệm, mà chính phòng ngừa mới là khâu quan trọng, nên mọi người cần thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế để Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Trong bộ đồ cứu hộ cứu nạn, anh Nguyễn Chí Thành, Đội phó Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM mang đến phần giao lưu những câu chuyện khiến hội trường lặng đi.
40 tuổi, 20 năm làm công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, anh Thành đã trực tiếp tham gia hàng trăm vụ, cứu sống 82 người, dũng cảm hoàn thành những nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi.
Đứng trước những dòng kênh ô nhiễm, những công trình có nguy cơ sập đổ, những hang sâu hun hút chưa từng có dấu chân người, anh Thành nói, lúc ấy cũng nghĩ đến gia đình, cha mẹ già, con thơ. Nếu chẳng may mình không về thì họ sẽ ra sao. Nhưng vượt lên trên những suy nghĩ ấy là một luồng suy nghĩ mạnh mẽ hơn, thúc giục anh dấn thân vào những nơi hiểm nguy, bởi nạn nhân và gia đình họ đang mong mỏi đợi chờ, “dù có hy sinh cũng nhất định phải làm”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng hoa cho các tấm gương thầm lặng mà cao cả tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nói về anh Nguyễn Chí Thành, lãnh đạo và đồng chí, đồng đội đều chung một lòng ngưỡng mộ. Họ nói: Ngoài kiến thức chuyên môn đã được đào tạo, anh Thành có một trái tim lớn – một trái tim yêu thương.
Cũng lặng lẽ, âm thầm làm việc thiện trong 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng Huế, chủ nhà hàng Khải Phương – Quỹ Bàn tay ấm chia sẻ, không thể kể hết những việc mà chị và nhóm những nhà hảo tâm của quỹ đã cùng nhau thực hiện. Từ những bữa ăn dinh dưỡng cho người già, trẻ em, người lao động, siêu thị 0 đồng, học hổng cho học sinh, sinh viên, làm giếng nước cộng đồng, trao sinh kế, xây cầu nông thôn… Tết Nguyên đán vừa qua, quỹ cũng chung tay nấu hơn 3.000 nồi thịt kho, làm bánh tét mang tặng những người không thể về quê ăn tết.
Chị Nguyễn Thị Hồng Huế chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Không phải thật dư dả mới chia sẻ, Quỹ Bàn tay ấm của chúng tôi không chỉ là doanh nghiệp, mà còn những người cũng khó khăn nhưng đã cho đi rất nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục và không dừng lại”, chị Hồng Huế chia sẻ cùng các đại biểu có mặt trong hội trường buổi lễ.
Những người có mặt hẳn cũng rất ấm lòng, trước câu chuyện và vẻ ngoài chân chất của nông dân Hồ Chí Cường, 67 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Ông đã miệt mài bơi xuồng đi vớt rác trên những dòng kênh suốt cả năm qua.
“Việc nhỏ tui làm, chỉ để cho xóm ấp tui sạch đẹp hơn chứ tui không nghĩ có ngày được lên tuốt trên này, được tuyên dương, được gặp các vị lãnh đạo lớn của thành phố”, ông Cường bộc bạch, lóng ngóng trong bộ đồ sơ mi tươm tất, có thắt cà-vạt.
Ông Hồ Chí Cường giao lưu tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nghe câu chuyện của ông Cường, chị Hồng Huế tỏ niềm xúc động và thay mặt Quỹ Bàn tay ấm gửi tặng ông một chiếc xuồng mới, cùng với các phương tiện bảo hộ lao động. “Giữ sức khỏe, chú nha!”, “Cảm ơn cô Huế nhiều lắm! Hôm qua, tui nghe nói mà tui mừng không ngủ được”, đoạn đối đáp khiến nhiều người bật cười, nhưng đọng lại là niềm vui trước những điều tốt đẹp được lan tỏa.
Trong 45 tập thể và 84 cá nhân được tuyên dương dịp này, có lẽ Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt là người lớn tuổi nhất. Ở tuổi 96, mỗi ngày, mẹ cùng chị em trong Câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống Hội LHPN phường 5, quận Gò Vấp vận động vải, tận dụng những khúc vải thừa để cắt theo mẫu.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
30 năm nay, máy may của mẹ vẫn đều đặn, dù mắt mờ theo năm tháng nhưng đôi tay khéo léo đầy kinh nghiệm, vẫn may khẩu trang, may mền, gửi đi làm từ thiện. Đến nay, mẹ đã may hơn 3.000 tấm mền.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, mẹ đã tham gia may khẩu trang vải gửi đến dân nghèo trên địa bàn phường và cùng chị em trong Chi hội phụ nữ khu phố 6 may trên 200 khẩu trang vải góp cho công tác phòng chống dịch.
Trân trọng những tấm lòng cao cả
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, dù năm 2020 là một năm đầy biến động, khó khăn, nhưng cũng chính là lúc mà những câu chuyện, những tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng lại được biết đến và lan tỏa một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Những hình ảnh cao thượng, những câu chuyện rất đẹp về tình người và những việc làm không vụ lợi, không cần vinh danh đã xuất hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày.
Đó là những chiến sĩ áo trắng bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh niềm vui sum vầy với gia đình dịp năm mới để mang lại sự bình yên, sức khỏe cho nhân dân. Đó là những cụ ông, cụ bà tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và từ thiện.
Đó là những những người dân, người lao động tự do, đoàn viên, hội viên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, họ đã luôn nghĩ tới cái chung vì cộng đồng, nghĩ tới những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của người khác hơn là nỗi vất vả của chính bản thân mình.
Đó là những mô hình tự nguyện kết nối những tấm lòng cao cả, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với những người thiếu may mắn trong cuộc sống đời thường.
Đồng chí điểm qua những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt đã 96 tuổi, gần 30 năm qua, Mẹ cần mẫn góp nhặt, xin những mảnh vải vụn để may hơn 3.000 tấm mền trao tặng cho các hộ dân nghèo; Ni sư Thích nữ Huệ Tuyền, chùa Lâm Quang đang nuôi dưỡng trọn đời 130 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa và 9 trẻ mồ côi.
Đội giúp dân huyện Hóc Môn hỗ trợ hơn 1.000 trường hợp cần vá xe và thay ruột xe, cứu người bị tai nạn, hỗ trợ nhập viên, xuất viện, chuyển viện miễn phí cho người nghèo. Tập thể y bác sĩ, điều dưỡng Khoa Bệnh lý sơ sinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hóa thân trở thành những người cha, người mẹ để nuôi dưỡng, chăm sóc cho các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Những tấm gương thầm lặng mà cao cả giao lưu tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tập thể y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, cùng nhiều lực lượng khác đã làm việc ngày đêm để truy vết, xét nghiệm, điều trị các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.
“Và còn hàng ngàn, hàng triệu người dân của TPHCM hành động bằng cách rất riêng của mình, họ rất thầm lặng, không ồn ào, không vụ lợi, ít người biết đến, không đòi hỏi ở xã hội, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang ngày đêm bỏ công sức, của cải, sức khỏe để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.
Theo đồng chí, những tấm gương ấy đã âm thầm đóng góp cho xã hội những việc làm nhân ái, nghĩa tình, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của TPHCM, xứng danh là TP nghĩa tình, TP anh hùng, TP mang tên Bác Hồ kính yêu.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn những tấm gương thầm lặng mà cao cả sẽ tiếp tục tỏa sáng để giúp đời, tiếp tục cống hiến thật nhiều cho xã hội.
Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho những mô hình thiện nguyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để những tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống hàng ngày.
Cùng với đó là nhân lên những điều tốt đẹp, phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình bao đời của dân tộc ta, giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội, mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi ngày làm một việc thiết thực để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
“Bởi vì cho đi chính là nhận lại, hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái luôn hiện hữu trong lòng, để chúng ta có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua khó khăn, để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành lẽ sống và cũng là “thương hiệu” của người dân TP”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Tại buổi lễ, 45 tập thể và 84 cá nhân được tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả. Như vậy, qua 4 lần tổ chức bình chọn, đến nay đã có tổng cộng 109 tập thể, 368 cá nhân được tuyên dương.
Đây là những điển hình sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tích cực tham gia phong trào cả TP chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là những việc làm thầm lặng, không ồn ào, không nhiều người biết đến nhưng từng ngày đóng góp cho TP.
Tại buổi lễ, có 3 tập thể và một cá nhân vinh dự nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước. Đó là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - Sở Y tế TPHCM; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP - Sở Y tế TPHCM đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á TPHCM có thành tích xuất sắc trong ứng dụng, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19; ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. 4 tập thể và 5 cá nhân thuộc TPHCM cũng vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ do đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.