Diễn ra từ ngày 23-8 đến hết ngày 31-12-2019, cuộc thi viết Sài Gòn -Thành phố tôi yêu đã nhận được 822 bài dự thi của các tác giả trong và ngoài nước. Trong đó, có gần 100 lá thư viết tay.
Theo thống kê của ban tổ chức, hơn 60% tác giả tham gia là người sinh sống tại TPHCM. Cuộc thi cũng nhận được không ít bài viết của tác giả là người Việt đang sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc, Úc, Đức, Mỹ cũng như tác giả là người nước ngoài đến TPHCM làm việc, chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Trong đó, tác phẩm Tôi đã đánh mất trái tim tại thành phố này của Joachim Wegner (Brandenburg - Đức) đạt giải khuyến khích. Thí sinh nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 5 và lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 90.
Vì số lượng bài dự thi nhiều và chất lượng tốt, BTC quyết định tăng thêm 5 giải khuyến khích, nâng tổng giải thưởng thành 18 giải (ban đầu có 5 giải khuyến khích, sau nâng thành 10 giải).
Hàng trăm bài viết là những kỷ niệm đầy bình dị, chân thành về TP tôi yêu
Kết quả chung cuộc, BTC đã trao giải nhất trị giá 20 triệu đồng cho bài viết Sài Gòn, còn thương thì về! của tác giả Tống Phước Bảo (TPHCM). 2 giải nhì, mỗi giải 15 triệu đồng được trao cho hai bài viết: Rưng rưng “cưng xạo bà cố”, tác giả Diên Khánh (TPHCM) và Mẹ tôi năm ấy, làm dâu Sài Gòn của Phạm Nguyệt (TPHCM). Trong khi đó, 3 giải ba trị giá 10 triệu/giải lần lượt thuộc về các bài viết: Thành phố thuở tôi yêu người, tác giả Meecong (TPHCM); Sài Gòn, ai đi xa cũng phải nhớ... của Hà An (Kon Tum); Sài Gòn và những miền nhớ, tác giả Nguyễn Lê Ngọc Mai (TPHCM).
Ngoài 10 giải khuyến khích, BTC cũng trao 2 giải phụ: tác phẩm dự thi được bạn đọc yêu thích nhất và bài viết hay nhất về công viên văn hóa Đầm Sen.
Tác giả cao tuổi nhất tham gia cuộc thi sinh năm 1927
Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, BTC đã chọn lọc 87 bài viết và in thành cuốn sách Sài Gòn – Thành phố tôi yêu với những kỷ niệm, cảm xúc, trải nghiệm rất đỗi bình dị, cụ thể và riêng tư về vùng đấy này.
Với một chàng trai trẻ thì Sài Gòn là những con đường thơm mùi hoa buổi sáng, nơi anh chở người con gái anh yêu đi giao hoa cho các cửa hàng (Những nẻo đường thơm của Phan Xuân). Một người đàn ông đã vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp hơn 20 năm vẫn nhớ mãi những ấn tượng tốt đẹp buổi đầu về người Sài Gòn hào hiệp (Quán cơm bình dân cô Thu làng đại học của Nguyễn Đước).
Một tác giả là dân nhập cư “tích cóp vay mượn cũng chỉ mua được một miếng đất nhỏ ở xóm nghèo nằm kề bên sông Sài Gòn lộng gió” thì kể về cuộc sống cùng những người hàng xóm mới vừa vui vừa ấm áp nghĩa tình (Phố nhà quê của Nam Anh).
Một tác giả khác lại rưng rưng nhớ tiếng “cưng” lạ lẫm mà mình được gọi khi đến thành phố này (Rưng rưng “cưng xạo bà cố” của Diên Khánh)... Và một người đã không còn ở Sài Gòn, thì khi xa rồi “mới biết lại nhớ Sài Gòn da diết đến mức nào” (Sài Gòn, ai đi xa cũng phải nhớ của Hà An). Sách do NXB Hồng Đức, Báo Thanh Niên và VanLang Books phát hành.
Ngay sau thành công nói trên, Báo Thanh Niên cũng tổ chức cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung với nội dung chính thể hiện tình cảm của người miền Trung dành cho chính quê hương mình; là tiếng lòng, nỗi nhớ của những người con miền Trung xa xứ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình; là xúc cảm, ký ức hay niềm vấn vương của những ai từng đến và luyến lưu bởi tình đất, tình người, chốn lưu giữ muôn vàn di sản văn hóa dân tộc... Cuộc thi diễn ra đến hết ngày 20/10.