Trung thực khai báo, chấp hành cách ly để chung tay chống dịch

17:40 11/03/2020

Từ bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 khai báo không trung thực, đến hành động và phát ngôn ở nơi cách ly của Vũ Khắc Tiệp, hay chuyện nam thanh niên Sơn Lôi bỏ nơi cách ly đi thăm bạn gái… đã dấy lên dư luận phản ứng trong cộng đồng. Đa số lên án các hành vi thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trước dịch bệnh và kêu gọi chung tay chống dịch bằng trung thực khai báo tình trạng sức khỏe và chấp hành cách ly.

Khai báo gian dối, không chấp hành cách ly sẽ bị xử lý nghiêm

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Người nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo trung thực. Ảnh: Báo SGGP
Người nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo trung thực. Ảnh: Báo SGGP

Ngày 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kể cả người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu đang diễn biến phức tạp, bên cạnh việc đơn phương tạm dừng chính sách miễn visa đối với 8 nước châu Âu, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo vấn đề có nên báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tổ chức cách ly tập trung đối với những người đến từ khu vực này hay không.

Trước đề xuất này, tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho biết, hiện nay diễn biến dịch bệnh ở khu vực này rất phức tạp, số ca mắc bệnh và tử vong tăng nhanh, đồng thời khí hậu ở châu Âu mùa này cũng thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển. Trong khi đó, người dân châu Âu có thói quen tự do đi lại, không đeo khẩu trang nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khu vực này rất cao. Do vậy việc tổ chức cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ khu vực châu Âu là cần thiết.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc kỹ giải pháp này. Do đó, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thống nhất các địa điểm được coi là vùng dịch, ổ dịch Covid-19 để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Bộ Y tế hiện Việt Nam đã ghi nhận trường hợp thứ 38 nhiễm Covid-19. Ngoài việc khai báo tình trạng sức khỏe và các địa điểm di chuyển khi nhập cảnh thì người dân cần trung thực khai báo y tế toàn dân và thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly hoặc ý thức tự cách ly tại nhà.

Theo đó, từ 10/3, người dân Việt Nam có thể khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI; đồng thời cập nhật các thông tin, chỉ dẫn mới nhất về dịch bệnh Covid-19 từ cơ quan chức năng. Bộ Y Tế và các công ty công nghệ trong nước đã ra mắt 2 ứng dụng (app) NCOVI (dành cho người Việt Nam) và ứng dụng Vietnam health declaration (dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam).

Các DN xây dựng 2 ứng dụng trên đã gửi ứng dụng lên kho ứng dụng Google Play dành cho smartphone chạy hệ điều hành Android, và Apple Store dành cho iPhone. Các kho ứng dụng đang tiến hành cập nhật cung cấp cho người dùng tải về. Với ứng dụng NCOVI, người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính.

Đừng là kẻ vô tâm trước dịch bệnh

Báo Tuổi Trẻ có bài viết về chủ đề, “Không trung thực khổ mình, hại người” phản ảnh nhiều người cố tình khai báo gian dối để trốn cách ly và đã gây hậu quả nặng nề cho công tác chống dịch. Hay bài viết “Người nổi tiếng: Đừng làm những kẻ phát ngôn vô trách nhiệm về dịch bệnh!”. Bài viết phản ảnh tình trạng bên cạnh đa số nghệ sỹ có ý thức xã hội cao khi tự nguyện cách ly, hay có các kêu gọi người hâm mộ chung tay cùng nhà nước phóng chống dịch thì vẫn có một số người trong giới Showbiz có thái độ tiêu cực, bất hợp tác. Hơn bao giờ hết, đây là lúc giới nghệ sĩ cần thể hiện trách nhiệm xã hội và tinh thần cộng đồng của mình sao cho xứng đáng với hai chữ họ coi như thiên chức nghề nghiệp: cống hiến.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Cộng đồng
Nguồn: Báo Sức khỏe và Cộng đồng

Trước đó vào ngày 9/3, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả nghệ sĩ Việt từng tham gia các tuần lễ thời trang ở Ý và Pháp - những quốc gia có dịch COVID-19 ở châu Âu - nhanh chóng kiểm tra y tế để được hướng dẫn biện pháp phòng dịch phù hợp. Buồn và lo lắng vì thông tin dịch COVID-19 trở lại Việt Nam, Châu Bùi chia sẻ từ khu cách ly: "Mọi người ơi, việc làm đúng đắn nhất ngay lúc này chính là hành động vì trách nhiệm cộng đồng chứ không phải di tản hay trốn tránh khai báo y tế khi đã qua vùng dịch hay tiếp xúc với người bệnh. Hãy thẳng thắn thừa nhận để đừng lây lan. Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dịch bằng cả trái tim!".

Không chỉ chủ động cách ly, nghệ sĩ còn có thể sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin chính xác, tích cực. Với các tài khoản có hàng triệu lượt theo dõi, họ có thể mang sự tích cực đến với hàng chục ngàn người trong vòng vài giây.

Hôm 7/3, MC Trấn Thành viết lên fanpage có 12 triệu người theo dõi: "Chưa bao giờ thấy thương Hà Nội như lúc này". Anh liệt kê bảy việc nên làm, như không tranh giành tích trữ, thấy không khỏe phải thông báo để điều trị, không chia sẻ tin giả, rửa tay thường xuyên... Bài đăng có 318.000 lượt tương tác. Nếu một phần mười trong số đó thực sự lắng nghe và thực hiện, lời kêu gọi của Trấn Thành cũng có ảnh hưởng tích cực đến tình hình chung.

Tại Hàn Quốc, quốc gia có hàng ngàn ca nhiễm COVID-19, các nghệ sĩ đóng góp từ hàng trăm triệu won đến hàng tỉ won cho chính quyền và ngành y tế. Ở Việt Nam, dịch chưa nghiêm trọng đến mức đó, nhưng phần đông nghệ sĩ đều quan tâm đến diễn biến dịch và cầu mong những điều tốt đẹp xảy ra.

Đợt dịch bệnh này cho thấy tai họa không chừa một ai, từ người giàu đến người nghèo, từ người nổi tiếng đến người bình thường. Không có cách bảo vệ bản thân nào tốt hơn là bảo vệ những người xung quanh. Một người vì mọi người. Họ an toàn, ta cũng sẽ an toàn.

Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội rằng “dịch Covid-19 cũng lột tả nhiều điều trong cuộc sống” – trong khi có người quá bi quan về dịch thì lại có nhiều người lạc quan và tin tưởng, có người lại thể hiện vô trách nhiệm với chính gia đình mình và xã hội. 

Cưỡng chế cách ly theo quy định

Theo báo Sức khỏe và Cộng đồng, Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch đã quy định rõ: Các đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

Việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định nhưng không tuân thủ.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế nếu người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có diễn biến bệnh hoặc mắc các bệnh khác vượt quá khả năng xử lý của mình thì thủ trưởng cơ quan thực hiện việc cách ly phải chuyển người đó đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ khả năng gần nhất để điều trị cho người bệnh...

Tin cùng chuyên mục