Theo đó, nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ, người quản lý, các đơn vị giám sát, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã thực hiện nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Cụ thể, triển khai 06 xe loa tuyền truyền phát động tháng hành động trên các tuyến đường chính, treo hàng trăm băng rôn, cấp phát 10.000 poster tuyên truyền “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn”; các chương trình, bài viết về an toàn thực phẩm (ATTP) đăng tải trên các báo, đài.
Với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã triển khai thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội. Lũy kế đến nay đã rà soát được 1.323 sản phẩm và chuyển thanh tra tiến hành xử lý 31 trường hợp vi phạm.
TP có 14.391/19.446 cơ sở (đạt 74%) số hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký giấy cam kết đảm bảo ATTP.
Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký giấy cam kết đảm bảo ATTP là 39.710/41.072 cơ sở (đạt 96,6%).
Số xã được công nhận nông thôn mới đạt tiêu chí ATTP là 50/58 xã (đạt 86,2%).
Với mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn TP”, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã triển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động cải cách hành chính và tăng cường tuyên truyền – giáo dục, hướng dẫn các thông tin về thực phẩm an toàn, xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án, Đề án, Chương trình đảm bảo ATTP trên địa bàn TP như “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm” và “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP”; song song đó, triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.
Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong thời gian qua đã chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại một số vấn đề còn bất cập, dẫn đến tình trạng vi phạm ở một số nơi.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, có 2.668 cơ sở vi phạm (chiếm 28,89%). Trong đó, có 662 cơ sở bị phạt tiền (với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng).
Trong số các vấn đề còn bất cập, phải kể đến quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Tuy nhiên, kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian từ 2 - 4 ngày. Trong khi hiện nay chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nếu kết quả dương tính khi phân tích định lượng thì lô hàng đã được phân phối, không còn tại chợ.
Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi; thực phẩm chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu.
Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên chưa cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.