Trên sân bay San Francisco, Mỹ sáng 7-5 (giờ địa phương), gần 300 hành khách (là những người Việt bị kẹt lại do lệnh phong tỏa để ứng phó với dịch Covid-19) bước lên chiếc Boeing 787 mang số hiệu VN001 đang sẵn sàng cất cánh hướng thẳng về quê nhà Việt Nam. Nhìn trong mắt mỗi người chan chứa niềm mong đợi được đoàn viên với người thân cách nửa vòng trái đất, tôi hiểu rõ bởi bản thân mình có được sự may mắn như họ khi bước chân lên chuyến bay này. Chuyến đi đến California của tôi diễn ra vào trung tuần tháng 2 để giải quyết việc riêng, khi dịch bệnh Covid-19 chưa “thành chuyện” ở nước bạn. Vậy mà đúng ngày về, sân bay Đào Viên ở Đài Loan - nơi chuyến bay của tôi sẽ quá cảnh ngưng tiếp nhận khách. Tôi phải trở về nhà cô em cách sân bay 3 giờ lái xe và từ đó hòa chung cảnh sống giãn cách xã hội với cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Em Bùi Thế Nam (19 tuổi, Hà Nội), người đi cùng chuyến bay hôm nay, cũng có câu chuyện tương tự. Em đang là sinh viên năm thứ nhất tại Trường University of Louisiana at Monroe. Trường của em đóng cửa từ cuối tháng 3 và đề nghị sinh viên nên về nước vì lo lắng các em có thể mắc bệnh. Nam đã hai lần ra sân bay và phải quay lại chỗ ở cũ vì các chuyến bay đều hủy vào giờ chót, không báo trước. Nguyễn Khải Doanh (TPHCM) đang học tại Peninsula College, Seattle, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi các trường học ở Mỹ phải đóng cửa vì Covid-19.
Từ cuối tháng 3, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp và các đường bay quốc tế của hầu hết các quốc gia đều ngưng hoạt động, Chính phủ Việt Nam có chủ trương giao Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước tiếp nhận đăng ký của những công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước trong giai đoạn này. Các cơ quan này sau đó phối hợp với cơ quan chức năng ở nước bạn để tổ chức các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước. Đến nay đã có rất nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam đang kẹt lại ở một số quốc gia trở về.
Hôm nay, vẫn còn nhiều bà con chưa về được nhắn tin hỏi nhau: Đăng ký bao lâu thì về được? Sẽ còn chuyến bay nào nữa không? Điều đó cho thấy còn rất nhiều bà con có nguyện vọng trở về. Riêng với chuyến bay thẳng đầu tiên từ Mỹ về lần này phải mất thời gian 6 tuần từ ngày đăng ký. Nhưng để có được chuyến bay này, đó là nhờ sự quan tâm của Chính phủ, nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ và Tổng Lãnh sự quánViệt Nam ở San Fancisco cùng những cơ quan có liên quan cả ở phía Việt Nam và Mỹ đã tích cực thúc đẩy nhanh nhất có thể quá trình tổ chức và thực hiện chuyến bay.
Không còn bao lâu nữa máy bay sẽ cất cánh. Không kể 1 giờ dừng lại tiếp nhiên liệu ở tiểu bang Alaska trên đất Mỹ, tổng cộng 16 tiếng bay là chúng tôi sẽ đáp xuống dải đất hình chữ S thân yêu. Trước khi rời đi, chúng tôi cảm ơn gia đình và những người bạn Mỹ đã cùng chúng tôi chia sẻ trải nghiệm lịch sử không vui trong mùa Covid-19 này. Cùng cầu chúc bình an nhân dân Mỹ và cho đồng bào chúng ta chưa được trở về trong chuyến bay này. Thật thiếu sót nếu không cất lời cảm ơn những “người nhà” - đó là hàng triệu đồng bào trong nước đã đồng lòng cùng Chính phủ thực hiện “Ở yên trong nhà”; là bao nhiêu con người, bao nhiêu lực lượng đã oằn lưng chiến đấu gìn giữ một môi trường y tế an toàn cho chúng tôi được yên tâm trở về hôm nay. Chúng tôi hứa chắc chắn sẽ “Ở yên trong khu cách ly”.
Các bạn rất yêu nước, đúng không? Chúng tôi cũng thế!
Sau khi Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hoàn thành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của phía Mỹ, vào rạng sáng hôm nay 8-5, chuyến bay “đặc biệt” đã cất cánh đưa khoảng 300 công dân Việt Nam về nước, chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa. Phóng viên Kiều Oanh của Báo Sài Gòn Giải Phóng có mặt trên chuyến bay khởi hành TP San Francisco, bang California này, và đã ghi lại những cảm xúc của những người Việt Nam may mắn được hồi hương giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ngay tại nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
KIỀU OANH từ San Francisco