Xây dựng thành phố Thủ Đức: Người dân đi lại bằng giao thông công cộng

14:26 17/09/2020

Nhiều dự án giao thông quan trọng nằm trong thành phố Thủ Đức tương lai sắp đưa vào hoạt động. Cùng với metro, các chuyên gia nhấn mạnh cần có mạng lưới xe buýt kết nối các đô thị vệ tinh để người dân đi lại dễ dàng.

Tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ giúp việc đi lại giữa Khu đô thị sáng tạo và trung tâm TP.HCM được thuận tiện hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ giúp việc đi lại giữa Khu đô thị sáng tạo và trung tâm TP.HCM được thuận tiện hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thành phố Thủ Đức tương lai là thành phố thông minh, cần tính toán để nâng cấp hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng theo hướng tiện nghi, hiện đại.

Nhiều công trình lớn đang triển khai

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km có 14 nhà ga thì có 10 nhà ga nằm trọn trong khu vực thành phố Thủ Đức tương lai. 

Tới đây, tuyến metro 3a sẽ nối trực tiếp vào metro số 1 tại ga Bến Thành (Q.1). Mọi đoàn tàu có thể chạy suốt từ tuyến số 1 sang tuyến số 3a tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, kết nối khu vực đông bắc và tây nam của TP.

Hạ tầng giao thông TP Thủ Đức được bao quanh bởi tuyến đường huyết mạch như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1 và tuyến trục vành đai 2 đi qua đang được quan tâm đầu tư khép kín. 

Mới đây, bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên từ 8 - 10 làn, xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2020 - 2025. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành về việc nghiên cứu, xem xét tính khả thi đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với sân bay Long Thành.

Cũng trong TP Thủ Đức, công trình bến xe Miền Đông mới nằm tại vị trí giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương là quần thể rộng tới 16ha, gấp 3 lần bến xe hiện hữu và có thể phục vụ hơn 7 triệu hành khách mỗi năm. 

UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị hoàn thành kế hoạch để đưa công trình hạ tầng và bến xe Miền Đông mới giai đoạn 1 khánh thành vào ngày 10-10. 

Công trình này nằm trong 15 công trình tiêu biểu được chọn chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ XI giai đoạn 2020-2025.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (Sở GTVT TP) cho hay, hiện đơn vị đã tổ chức các tuyến xe buýt gom nhằm trung chuyển hành khách khi bến xe đi vào hoạt động. 

Trong tương lai, khi tuyến metro hình thành sẽ kết nối trực tiếp với bến xe, người dân có thể đi xe buýt về nhà một cách thuận lợi thay vì phải phụ thuộc vào xe cá nhân.

Song song với việc khánh thành bến xe Miền Đông mới, lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị TP phối hợp sớm đưa đoàn tàu metro số 1 từ Nhật Bản về nước trong đầu tháng 10-2020. 

Tại công trường depot Long Bình, những ngày này đội ngũ kỹ sư đang hoàn tất các phương án kỹ thuật, mặt bằng để chuẩn bị đón đoàn tàu.

Xây dựng mạng lưới xe buýt mini

Các chuyên gia giao thông cho hay TP Thủ Đức tương lai là thành phố thông minh, thế nên cần tính toán để nâng cấp hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng theo hướng tiện nghi, hiện đại để người dân có thể đi từ nhà ra hệ thống giao thông công cộng.

Theo ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, khi hoàn thành bến xe Miền Đông, metro số 1 cần có hệ thống xe buýt BRT kết nối với các đô thị vệ tinh xung quanh TP Thủ Đức như Dĩ An, Biên Hòa... 

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ các quy định để TP.HCM có thể phát triển mạng lưới xe buýt mini phù hợp với tình hình đô thị có quá nhiều đường nhỏ hẹp.

Ông Tính cho biết thêm Sở GTVT có đề xuất đề án cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt có sức chứa nhỏ, tích hợp ứng dụng công nghệ đặt xe, giai đoạn 2020-2025 nhằm vực dậy sự "xuống dốc" của hệ thống xe buýt TP.HCM. 

Nhà đầu tư đề xuất 6 tuyến mới (trong đó có Q.2 và Q.9) được thiết lập trên cơ sở nối kết các khu dân cư mới, giữa các quận trong nội thành, chưa có tuyến xe buýt trực tiếp. 

Đây là một đề án hay do Công ty TNHH Busgo đề xuất, đề án này khác xa so với đề án phục hồi buýt mini trước đây mà TP.HCM từng nghiên cứu.

Cũng theo ông Tính, điểm nổi bật của đề án là nhà đầu tư tự bỏ tiền mua xe, ngân sách không phải trợ giá mà họ tự cân đối qua giá vé theo cơ chế cung cầu của thị trường. 

Hành khách đi xe buýt bằng các ứng dụng công nghệ đặt xe kết nối với khách hàng một cách thuận lợi nhất như báo trước biển số xe, lộ trình, thời gian di chuyển, không để khách hàng chờ đợi lâu. Phương thức thanh toán cũng không cần sử dụng tiền mặt mà qua thẻ tín dụng, ví điện tử Momo, Payoo...

Ông Tính cho rằng đề xuất trên sẽ giải bài toán khó ở TP.HCM khi năm năm qua, lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm, chất lượng dịch vụ không có gì khởi sắc. 

Trong tương lai, loại hình mini buýt hiện đại này cần được quan tâm để tạo ra mạng lưới buýt hình xương cá gom khách tới metro và bến xe.

Tuy nhiên, theo ông Tính, hiện Bộ GTVT chưa đồng ý đề xuất sử dụng loại buýt mini nêu trên do không phù hợp. 

"Theo tôi, Bộ GTVT nên xem xét lại, cho phép Sở GTVT TP áp dụng thí điểm đề án này trong vòng vài ba năm nhằm thu hút tư nhân tham gia vào đầu tư mạng lưới xe buýt hiện đại", ông Tính nói.

Tổ chức xe buýt kết nối nhà ga metro số 1

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, thời gian tới Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ thực hiện dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến xe buýt kết nối nhà ga metro số 1. Ngoài ra tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 cũng sẽ kết nối với metro số 1 tại ga Rạch Chiếc.

Việc chính thức triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục tiện ích như: cầu bộ hành, bãi đậu xe, kết nối xe buýt nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đảm bảo khai thác hiệu quả metro số 1 vào cuối năm 2021.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục