Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, TPHCM hiện có 125 bệnh viện và 38.712 giường bệnh, đạt tỷ lệ 42,8 giường bệnh/10.000 dân. Những năm qua, ngành y tế của TPHCM đã có bước phát triển vượt bậc, có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, cả các cơ sở công lập và ngoài công lập; đóng vai trò là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của không những người dân TPHCM mà còn các tỉnh phía Nam; bên cạnh đó còn phát triển du lịch y tế.
Trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế TPHCM đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển kỹ thuật kỹ thuật cao, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo như quy trình báo động đỏ đã cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng, diễn biến bệnh phức tạp…
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được ngành y tế TPHCM triển khai và luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó trong các tình huống dịch bệnh như xây dựng quy trình, công cụ và lực lượng điều tra, truy vết, xử lý dập dịch; thiết lập hệ thống 5 bệnh viện chuyên trách điều trị Covid-19 với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực chuyên môn.
Đồng thời sẵn sàng huy động tất cả khu cách ly của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM để trưng dụng điều trị người nhiễm Covid-19 khi dịch lan rộng; tăng cường năng lực thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo chính quyền TPHCM trong việc xử lý dịch bệnh Covid-19 vừa qua, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng TPHCM là đơn vị thực hiện tốt việc xử lý phòng dịch bằng các biện pháp quyết liệt và đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, TPHCM vẫn cần rút ra bài học trong vấn đề cách ly người nghi nhiễm, tăng tốc xét nghiệm để sớm đưa ra kết quả nhằm phục vụ tốt hơn cho việc khoanh vùng, điều tra dịch tễ, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
“Thời gian tới TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả đúng như mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế cũng sẽ chia sẻ với những khó khăn đang gặp phải của ngành y tế TPHCM và cam kết tháo gỡ những khó khăn do cơ chế chính sách, những gì thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, những gì thuộc về thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì Bộ Y tế sẽ kiến nghị, tham mưu để có các giải pháp phù hợp… Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo cơ chế cho ngành y tế TPHCM bứt phá, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế cũng mong muốn TPHCM cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa cho vấn đề đầu tư, phát triển y tế, có chính sách thu hút nhân lực y tế cho các cơ sở công lập, có vậy mới xây dựng được TPHCM là trung tâm y tế chuyên sâu.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có nêu rõ, sẽ xây dựng TPHCM trở thành trung tâm y khoa khu vực Đông Nam Á và trước khi diễn ra đại hội, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức hội thảo trực tuyến với các doanh nghiệp, chuyên gia Hoa Kỳ về tầm nhìn này.
Để thực hiện mục tiêu đó, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, hiện TPHCM đang triển khai 4 đề án có liên quan (đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, phát triển y tế cộng đồng, y tế thông minh và đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TPHCM).
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM khẳng định không phân biệt giữa bệnh viện trung ương hay bệnh viện địa phương, bởi đây là cơ sở y tế để chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn TPHCM và TPHCM cũng luôn sẵn sàng phối hợp với các trường đại học trực thuộc Bộ trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quốc gia và cho TPHCM.
“Đối với các kiến nghị của Bộ về xây dựng mới các bệnh viện, trung tâm tại TPHCM như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực phía Nam (CDC),… TPHCM luôn sẵn sàng nghiên cứu và ủng hộ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.