Tin giả khiến việc chống dịch “khó khăn chồng khó khăn”
Việc lan truyền tin giả đang khiến cho công tác chống dịch tốn công sức hơn nhiều so với thực tế. Khi tin giả từ một người lan truyền theo tốc độ chóng mặt qua các phương tiện truyền thông cá nhân, mạng xã hội và gây ra những hậu quả nặng nề khi đám đông mất bình tĩnh.
Vừa phải căng mình với việc chống dịch, mới đây Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch phải mất thời gian lên tiếng phản bác tin giả về việc có người tên Bách nằm trong Ban chỉ đạo có các phát ngôn liên quan đến dịch Covid-19.
Theo các báo, mấy ngày qua trên cộng đồng mạng đang chia sẻ thông tin:
"Giáo sư Bách, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này".
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho biết: Qua kiểm tra, đây hoàn toàn là tin FAKE (tin giả), vì trong thành phần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch không có người tên là Bách.
Bên cạnh đó, cá nhân PGS.TS Trần Xuân Bách (nick name Bi Ti) cũng xác nhận không đưa thông tin này, đây là tin giả mạo.
Thậm chí, các đối tượng còn giả mạo khuyến cáo dịch của Chánh Văn phòng Bộ Y tế nhằm gây hoang mang dư luận để đạt mục đích đen tối của mình.
Phạt tiền, xem xét khởi tố
Theo báo Lao Động, Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu xử lý các hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, đặc biệt liên quan trường hợp dương tính với COVID-19 tại Trúc Bạch; yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố khi đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung.
Cụ thể, Công An TP. Hà Nội yêu cầu Lực lượng Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường nắm tình hình, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, đặc biệt liên quan trường hợp dương tính với COVID-19 tại Trúc Bạch; yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố khi đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung.
Tính đến hôm nay (10/3), Công an thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận.
Ngày 7/3, Công an TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) xử phạt hành chính 4 cô gái, mỗi người 10 triệu đồng về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân.
Trước đó, lực lượng an ninh phát hiện 4 tài khoản Facebook đăng các thông tin: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…”, và “Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác”.
Công an xác định những thông tin sai sự thật này khiến dư luận hoang mang. Sau đó, Công an TP Lào Cai đã xác minh, triệu tập khẩn cấp chủ các tài khoản để xử lý.
Tại cơ quan điều tra, 4 người này đã thừa nhận vi phạm, gỡ bỏ và đính chính thông tin trên trang cá nhân, đồng thời cam kết không tái phạm.
Theo Báo Tuổi Trẻ, trong hai ngày công an các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã xử phạt 6 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch virus corona.
Theo đó, Công an tỉnh Thái Nguyên vừa xử phạt chị Nguyễn Thị Hồng Minh và chị Ngô Thị Trang (cùng 30 tuổi, trú thành phố Sông Công) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Theo đó, ngày 31/1, chị Minh đăng trên nhóm Zalo thông báo với nội dung "Hiện nay Bệnh viện C đang có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Mong các bậc phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, sổ mũi... thì cho trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế gần nhất. Tránh đến những nơi đông người".
Sau khi đọc được thông tin do Minh đăng tải, chị Trang đã sao chép và đăng tải lên trang Facebook cá nhân đồng thời kêu gọi mọi người "mạnh tay chia sẻ".
Mặc dù sau đó cả hai đã gỡ bỏ thông tin nêu trên nhưng với hành vi tung tin sai sự thật, gây tác động xấu đến xã hội công an đã lập biên bản và xử phạt.
Ở Bắc Ninh, ngày 31/1, Công an thành phố Bắc Ninh xử phạt anh Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi) và chị Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi.
Theo công an, khoảng 23 giờ ngày 30/1, Hoàng đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung "Tại Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Một trong số họ ngày 30-1 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm virus corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn tết và quay trở lại Việt Nam làm việc!!! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước".
Trước đó, báo Thanh Niên đăng thông tin “7 ngày Thanh Hóa xử phạt 9 trường hợp tung tin đồn thất thiệt về virus Corona”. Theo đó, chỉ trong 7 ngày, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện 21 trường hợp người dân đăng tải thông tin thất thiệt về vi rus Corona, trong đó đã xử phạt 9 trường hợp với tổng số tiền trên 85 triệu đồng.
Thông tin từ Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 31/1 – 6/2, các cơ quan, đơn vị chức năng ở 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện tới 21 trường hợp người dân đăng tải thông tin thất thiệt về virus Corona.
Các thông tin thất thiệt đều đăng tải trên mạng xã hội facebook, chủ yếu với nội dung nói về người nhiễm virus Corona đã xuất hiện trên địa bàn, gây hoang mang cho người dân. Tất cả 21 trường hợp đều được cơ quan công an, hoặc chính quyền địa phương, hoặc ngành y tế khẳng định là thông tin giả, không đúng sự thật.
Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm những người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trước tình hình trên, ngày 3/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời quy định sử dụng các biện phép khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Đình Nguyên (tổng hợp)