Xuất bản năm 2021: Tìm cơ hội trong tình cảnh khó khăn

08:48 31/01/2021

Năm 2020, lĩnh vực xuất bản đã chứng kiến một loạt các sự kiện sách lớn trong và ngoài nước phải hủy. Đi qua một năm với biết bao khó khăn dưới tác động của dịch Covid-19, liệu năm 2021, ngành xuất bản trong nước sẽ vượt qua ra sao? 

Chuyển động để cứu mình

Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động đến nhiều mặt của đời sống. Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị xuất bản đã có những thay đổi linh hoạt hơn, tìm ra những phương thức giao tiếp, trao đổi mới.

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng, trong năm 2020, đơn vị này đã chuyển nhiều chương trình từ hình thức giao lưu, gặp gỡ trực tiếp sang trực tuyến. Cùng với đó là hệ thống phát hành cũng đẩy mạnh sang các kênh trực tuyến. “Những kinh nghiệm từ năm 2020 tiếp tục là bài học lớn cho chúng ta phải rất linh hoạt, phải thay đổi để thích ứng hoàn cảnh, tận dụng nền tảng số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số”, bà Liên nói. 

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng theo ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Omega Plus, ngành xuất bản trong nước vẫn có những điểm sáng. Chẳng hạn, về xuất bản, các sản phẩm nội dung (sách giấy, e-books, audio books và các định dạng công nghệ khác) bám sát tâm lý xã hội thuộc các chủ đề: lịch sử - bài học kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh/khủng hoảng, y học thường thức, quản lý tài chính cá nhân, sách và học liệu tham khảo phù hợp với điều kiện học ở nhà... đạt được thành công nổi bật. Về phát hành, trong hoàn cảnh cách ly xã hội, các nhà sách không thể hoạt động thì 2020 là năm bùng nổ chưa từng có của các sàn thương mại điện tử và các dịch vụ bán sách online.

Từ đó, ông Vũ Trọng Đại cho rằng, bài học cho ngành xuất bản Việt Nam cũng như cho nền kinh tế Việt Nam là không thúc thủ chờ đợi một giải pháp thần kỳ (như vaccine chẳng hạn), mà nắm bắt cơ hội nảy sinh trong tình cảnh khó khăn nhất. Một số doanh nghiệp xuất bản và phát hành đã có những điều chỉnh tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh kịp thời ngay từ thời điểm mới bùng phát dịch bệnh (tháng 2-2020), nhờ đó nhìn chung cả năm 2020 vẫn giữ được nhịp độ phát triển tương đối ổn định. 

Một chương trình ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào đầu năm 2021
Một chương trình ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào đầu năm 2021

Ông Trần Nhã Thụy, Trưởng Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, cũng cho rằng, những người làm xuất bản phải linh động hơn để theo nhịp cuộc sống, bám sát nhu cầu người đọc.

“Theo quan sát của tôi, mảng dịch vụ xuất bản vẫn còn nhiều tiềm năng. Chúng ta hình dung thế này: khi một chiếc xe gắn máy tung ra thị trường thì kèm theo đó là cả tỷ dịch vụ có liên quan, thậm chí qua rất nhiều năm, rồi người ta “phát minh” ra cái bọc chân chống bằng cao su, bán rất chạy. Nói ví dụ vậy để thấy ngành xuất bản, người làm sách chúng ta vẫn ở trong tình trạng truyền thống và còn khá thụ động”, ông Thụy nói thêm. 

Xu hướng năm 2021

Theo những người trong ngành, tình hình xuất bản năm 2021 khó đoán trước. Những ngày đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát đem lại nhiều lo lắng. Điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi lối sống, làm quen và thích nghi với cuộc sống bình thường mới. 

Từ thực tế trên, theo ông Vũ Trọng Đại, một số dòng sách nổi bật của năm 2020 tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong năm 2021 như: lịch sử, y học, giáo dục và học liệu học tại nhà, kỹ năng quản lý công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, năm 2021 sẽ có thêm xu hướng mới: môi trường, sách minh họa, nội dung công nghệ (sự kết hợp của nhiều định dạng nội dung từ giấy đến số, tương ứng với các nền tảng công nghệ tương tác khác nhau). 

"Có một thực tế là trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhưng sự quan tâm của độc giả dành cho sách, dành cho văn hóa đọc nhiều hơn. Trong giai đoạn này, độc giả có xu hướng tìm về những cuốn sách để hướng vào bên trong nhiều hơn; còn những cuốn sách ngôn tình, tiểu thuyết đã có sự chọn lọc. Đây tiếp tục sẽ là xu hướng của năm 2021. Văn hóa đọc của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng và đó là điều đáng mừng và đáng khích lệ. Những ngày đầu năm 2021 vừa rồi, việc Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đến Đường sách TPHCM tham quan và làm việc với các đơn vị xuất bản đã động viên và truyền cảm hứng rất lớn cho những người làm sách lẫn độc giả", ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt, nhận định.

“Tích cốc phòng cơ, đầu tư trọng điểm, tận dụng cơ hội” là phương châm của NXB Kim Đồng để thích ứng trong năm 2021. Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, từng bộ phận vẫn tiếp tục phải có sự điều chỉnh để thích ứng với những cách thức làm việc mới, cũng như có những phương án dự phòng cho những kịch bản xấu.

Nói về xu hướng xuất bản năm nay, bà Quỳnh Liên dự báo: Covid-19 ập đến khiến chúng ta bất ngờ: bất ngờ về sự lây lan của nó, bất ngờ về cách nó thay đổi cuộc sống, thói quen sinh hoạt và cả tình trạng kinh tế của mỗi gia đình. Vì thế, sau khi Covid-19 xuất hiện, có rất nhiều đầu sách về sức khỏe, kỹ năng sống được bạn đọc quan tâm, bên cạnh các dòng sách mang tính “chữa lành”, sách tâm lý. 

Theo ông Trần Nhã Thụy, dòng sách được độc giả tìm mua nhiều nhất vẫn là sách non-fiction (phi hư cấu). Sách lịch sử, nếu xuất sắc vẫn là sách bán chạy nhất; tiếp đó là sách công cụ, kỹ năng mềm. Dòng sách văn chương có vẻ chựng lại, thậm chí buồn tẻ. Dòng sách về du lịch cũng khó bứt lên được vì dịch bệnh, phần nữa do người viết không xuất sắc.

“Nói thêm về sách lịch sử, tôi có cảm giác rằng nếu lúc này viết sử cho thiếu nhi mà viết mới mẻ và lôi cuốn sẽ được đón nhận. Và tôi nghĩ, tới lúc sẽ xuất hiện một cây bút tương tự như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư. Chúng ta đang đi những bước chuyển động lớn để mở ra một sân khấu lớn hơn và choáng ngợp hơn. Tôi vẫn chờ những người làm chủ sân khấu ấy xuất hiện”, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết.

HỒ SƠN/SGGP

Tin cùng chuyên mục