|
Ban An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra các sạp bán rau củ ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đầu tháng 1/2019 (hình: Báo Người Lao động)
|
Theo báo cáo, tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, UBND Thành phố và các sở, ban ngành đã ban hành 120 văn bản triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP. Đặc biệt, trước diễn biến của dịch tả heo châu Phi, Thành phố cũng đã thực hiện các giải pháp cấp bách, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố, thành lập thêm 2 chốt trạm kiểm dịch tạm thời, thực hiện trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo nguồn heo sạch đến tay người tiêu dùng.
Thành phố cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Ban Quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã tổ chức thẩm định và cấp 98 giấy chứng nhận cho 83 trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng tham gia vào chuỗi là 38.016 tấn rau củ quả, thịt, thủy sản (trừ trứng gà và nước mắm). So với cùng kỳ năm 2018, tỷ này giảm 55%, do năm 2018 các đơn vị kinh doanh phân phối sản phẩm đăng ký tham gia đề án để cung cấp nguồn thực phẩm đạt chuẩn chuỗi vào các bếp ăn, căng tin trường học trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, Thành phố đã ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 5 tỉnh: Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp để kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nguồn, đảm bảo ATTP trước khi đưa về thành phố tiêu thụ.
Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm tiếp tục được triển khai và kiểm soát chặt chẽ. Thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo ở hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền và cung cấp mã code cho các cơ sở tham gia đề án đủ tiêu chuẩn.
Thành phố cũng đã thí điểm chợ đảm bảo ATTP tại một số chợ truyền thống trên địa bàn, lấy khảo sát tại các chợ như Nguyễn Tri Phương, Bà Chiểu, An Lạc… và ban hành tiêu chí đánh giá về ATTP tại các chợ.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, cả ở lĩnh vực trồng trọt – chăn nuôi và thủy sản. Cấp 32.129 giấy chứng nhận liên quan ATTP cho các cơ sở.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2019, Thành phố đã tập trung kiểm tra có trọng điểm tại các nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ nấu đám, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất – khu công nghiệp có giá vừa và thấp, nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm tập thể. Mục đích là hướng đến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho tầng lớp công nhân, nhân dân lao động cũng như các thực khách. Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 87.350 cơ sở, trường hợp trong đó phát hiện 11.056 cơ sở, trường hợp vi phạm ATTP (tỷ lệ vi phạm 12,65%); phạt tiền 2.697 cơ sở, trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 39 tỉ đồng.
Công tác lấy mẫu giám sát cũng đã được triển khai với kết quả 11.702 mẫu thực phẩm được lấy để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Kết quả có 10.933 mẫu đạt (tỷ lệ 93,43 %), 769 mẫu không đạt (tỷ lệ 6,57%). Các mẫu được lấy có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mẫu có nguy cơ không an toàn. Đối với các mẫu không đạt, Thành phố cũng đã tiến hành xử lý theo quy định.
Thanh Hà