6 điểm bán thực phẩm lưu động bình ổn giá ở Hóc Môn

15:11 18/07/2021

Sáng 18-7, huyện Hóc Môn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 6 điểm bán lương thực, thực phẩm lưu động phục vụ người dân trên địa bàn.

Một xe bán thực phẩm lưu động giá bình ổn của huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN
Một xe bán thực phẩm lưu động giá bình ổn của huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN

Theo ông Trần Văn Chiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hóc Môn, việc tổ chức bán hàng lưu động này giúp giải tỏa được áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi khi chợ truyền thống đóng cửa. Hơn thế, hình thức bán hàng này nhằm đảm bảo cung ứng thịt, cá, hải sản, rau, củ quả… đến người dân cũng như giúp huyện kiểm soát được việc tuân thủ theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.

Người dân mua thực phẩm tại "chợ lưu động" tổ chức ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN
Người dân mua thực phẩm tại "chợ lưu động" tổ chức ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN

Trong đợt cao điểm thực hiện phòng chống dịch, trên địa bàn huyện Hóc Môn có 88 cửa hàng tiện lợi (của Satrafoods, Co.op Food, Bách Hóa Xanh, Vinmart…) rải đều ở các xã, thị trấn của huyện hoạt động. Dù vậy, toàn bộ 12 chợ truyền thống ở huyện và chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc tiếp cận lương thực, thực phẩm của người dân gặp khó khăn. Mặt khác, giá cả hàng hóa, nhất là rau, củ, quả cũng tăng.

Trước tình hình này, theo ông Trần Văn Chiến, căn cứ nhu cầu ở các xã, huyện liên hệ với các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua thực phẩm của người dân trên địa bàn, tổ chức sơ chế bước đầu rồi đưa thực phẩm đến người dân, nhất là khu vực cách ly, phong tỏa.

Người dân xã Tân Thới Nhì xếp hàng mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động tại xã. Ảnh: TRẦN VĂN
Người dân xã Tân Thới Nhì xếp hàng mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động tại xã. Ảnh: TRẦN VĂN

Trong ngày 18-7, huyện phối với với Sở Công thương TPHCM và các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức 6 điểm thực phẩm, với các mặt hàng khá đa dạng như thịt heo, cá, hải sản, rau, củ quả, trứng gia cầm… 

Thịt, cá, rau, củ quả... có nguồn gốc được đưa đến người dân với giá cả không cao hơn các cửa hàng tiện ích. Ảnh: TRẦN VĂN
Thịt, cá, rau, củ quả... có nguồn gốc được đưa đến người dân với giá cả không cao hơn các cửa hàng tiện ích. Ảnh: TRẦN VĂN

Cụ thể, huyện căn cứ vào vị trí tổ chức điểm bán hàng (theo đề xuất của các xã) và phối hợp với Sở Công thương TPHCM cùng đơn vị bán hàng rồi tính toán nguồn hàng, cân đối nhu cầu để tổ chức điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân ở các xã. 

Về nguồn gốc hàng hóa, theo ông Chiến, huyện yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã lấy hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, huyện giới thiệu các lò giết mổ, giới thiệu các địa lý lớn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, “trong bối cảnh toàn TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân gặp khó khăn, huyện đề nghị và được các hợp tác xã, doanh nghiệp ủng hộ bán hàng với giá bình ổn, theo tinh thần vừa phục vụ, vừa hỗ trợ, chia sẻ với khó khăn của người dân”, ông Trần Văn Chiến khẳng định.

Cụ thể, các mặt hàng tại điểm bán thực phẩm lưu động này được bán theo giá niêm yết, với giá cả không cao hơn ở các cửa hàng tiện ích.

Điểm bán thực phẩm lưu động tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN
Điểm bán thực phẩm lưu động tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Ảnh: TRẦN VĂN

Để hỗ trợ các đơn vị bán hàng, UBND huyện đã thông báo đến các đơn vị tuần tra, kiểm soát dịch Covid-19 của huyện tạo thuận lợi, đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện được thông suốt.

Ông Trần Văn Chiến cũng cho biết, huyện đã yêu cầu các ban quản lý chợ xây dựng phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 để mở cửa trở lại. Một số gợi ý được đặt ra là mở cửa với số lượng sạp chợ ít (như chợ đầu mối Hóc Môn có thể mở 10 sạp, chợ truyền thống mở 5-10 sạp/chợ); tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, bố trí dòng người theo một chiều (vào một cửa, ra một cửa) và có người kiểm soát người ra vào. Cùng với đó là có thể phát phiếu đi chợ với khung giờ cụ thể… Khi chợ mở cửa hoạt động thì điều quan trọng đặc biệt là phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Những ngày qua, huyện Hóc Môn tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Một trong những cách thức cụ thể là tổ chức tuần tra, xét nghiệm lưu động người dân (kể cả người dân của huyện Hóc Môn và người dân các nơi khác đi qua, đi vào huyện) lưu thông trên đường.

Huyện Hóc Môn tổ chức tuần tra di động, test nhanh người lưu thông trên đường và phát hiện nhiều ca nghi mắc Covid-19. Ảnh: ANH DƯƠNG
Huyện Hóc Môn tổ chức tuần tra di động, test nhanh người lưu thông trên đường và phát hiện nhiều ca nghi mắc Covid-19. Ảnh: ANH DƯƠNG

Trong sáng 18-7, qua kiểm tra ngẫu nhiên và test nhanh, lực lượng chức năng huyện phát hiện một ca nghi mắc Covid-19, là người dân từ huyện Bình Chánh đi ngang qua huyện Hóc Môn. Cũng theo phương thức này, trong ngày 17-7, huyện Hóc Môn phát hiện 6 trường hợp nghi mắc Covid-19, từ đó tiếp tục truy xét và thực hiện test nhanh thì phát hiện tiếp 10 ca nghi mắc Covid-19. Trước đó, ngày 16-7, qua tuần tra, xét nghiệm lưu động người dân lưu thông trên đường, huyện Hóc Môn cũng phát hiện 6 trường hợp nghi mắc Covid-19. Tiếp tục truy xét nhanh, lực lượng chức năng phát hiện thêm 4 trường hợp khác là người nhà của họ cũng nghi là F0. Tất cả trường hợp này được cho xét nghiệm PCR để khẳng định kết quả.

Bên cạnh việc test nhanh, 12 tổ tuần tra lưu động của huyên Hóc Môn còn kiểm tra những người dân của huyện, người dân địa bàn khác đi qua huyện mà không có lý do chính đáng. Đến nay đã có hàng chục trường hợp bị xử phạt, với mức phạt 2 triệu đồng/người. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng cân nhắc nhiều trường hợp khó khăn và nhắc nhở, yêu cầu không tái phạm.

 

KIỀU PHONG/SGGP

Tin cùng chuyên mục