Ngày 8/7, Hội nghị lần thứ 42 Thành ủy TPHCM khóa X bế mạc sau 1,5 ngày làm việc. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh công việc cần tập trung trong thời gian tới là tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển, khẳng định vị trí đầu tàu vượt trội của TPHCM. Trong đó xác định điểm nghẽn lớn nhất là giao thông.
Nhận diện những điểm nghẽn
Qua 1,5 ngày làm việc, Hội nghị ghi nhận được 135 lượt đại biểu phát biểu, đóng góp 333 ý kiến. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các đại biểu đã thống nhất về cơ bản các văn kiện trình trong Hội nghị. Về những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, một nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Qua thảo luận cho thấy TPHCM tiếp tục khẳng định vị trí vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có đóng góp phù hợp. Vai trò này thể hiện ở việc duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước. Từng ngành công nghiệp, dịch vụ cũng chiếm tỷ trọng đứng đầu cả nước. Trong bối cảnh dân số chiếm 9,3%, lao động chiếm khoảng 8% và diện tích đất chỉ chiếm 0,6% cả nước thì những đóng góp nói trên là rất có ý nghĩa.
Không những vậy, TPHCM còn giữ vững vị trí đầu tàu về đóng góp ngân sách cả nước, từ 26,5% ở nhiệm kỳ trước tăng lên thành 27,5% trong nhiệm kỳ này. Theo dự toán thu năm 2020, TPHCM thu ngân sách lớn hơn 52 tỉnh - thành có số thu nhỏ nhất.
Vị trí trung tâm kinh tế và nỗ lực vượt trội của TPHCM còn thể hiện ở nhiều nội dung, như thu hút đầu tư nước ngoài (hiện chiếm 14,7% thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả nước); hiệu quả kinh tế 5 năm qua không ngừng tăng lên. Đồng thời, TPHCM cũng có những mô hình kinh tế có hiệu quả đi đầu cả nước. Đó là Khu công nghệ cao thành lập 20 năm trước, đóng góp vào ngân sách 123 triệu USD trong 5 năm nhiệm kỳ trước, còn nhiệm kỳ này dự kiến đóng góp ít nhất 1 tỷ USD. Hay như Công viên phần mềm Quang Trung, 5 năm trước xuất khẩu hơn 400 triệu USD, 5 năm nhiệm kỳ này xuất khẩu 1,6 tỷ USD.
Trong nỗ lực đổi mới sáng tạo, TPHCM đang tiếp tục triển khai Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông. Nơi này có diện tích và dân số chiếm 10% diện tích và dân số TPHCM, nhưng có mật độ cao nhất về ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và triển vọng đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế TP.
Ngoài ra, TPHCM cũng là địa phương đầu tiên thực hiện đô thị thông minh và mới đây công bố chương trình số hóa TPHCM - là chương trình rất cần thiết để phát triển hạ tầng giai đoạn tới.
Khẳng định vị trí đầu tàu và tính vượt trội của kinh tế TPHCM suốt hàng chục năm qua, song đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là bố trí cơ cấu sử dụng đất không hợp lý, không phù hợp đặc điểm kinh tế của TP, khi đất dành cho công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 5% (không tính bất động sản) nhưng đóng góp hơn 99% cho kinh tế TP. Hiện TP đang quy hoạch 2 khu công nghiệp mới, diện tích hơn 1.000 ha. “Như vậy là bắt đầu nhìn thấy, sửa, nhưng việc thực hiện chậm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.
Một hạn chế khác được đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc đến là tính hấp dẫn môi trường kinh doanh còn hạn chế. Tính điểm tuyệt đối thì tăng lên, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì tụt hạng. Năm 2015 đứng thứ 6 thì năm 2019 đứng thứ 14 cả nước. Theo đồng chí, TPHCM cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa TPHCM vào top 5 cả nước về PCI.
Đồng chí cũng nhận xét, việc hợp tác vùng còn chậm, năm 2019 tới nay mới đẩy mạnh liên kết du lịch, liên kết về giao thông thì mới làm với Tây Ninh là chủ yếu.
Trong các hạn chế được nêu ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh đến hạ tầng giao thông phát triển chậm, không tương thích, trở thành điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM. Đồng chí dẫn chứng, một thành phố lớn với hơn 10 triệu dân mà vành đai 2 chưa kết nối xong, vành đai 3 mới nằm trên giấy. “Các đường ngang còn thiếu, quy hoạch tàu điện ngầm 8 tuyến hiện đang làm một tuyến, khởi động tuyến thứ 2 còn 6 tuyến khác vẫn chưa triển khai được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục dẫn chứng.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, hiện nay liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền TP hiệu quả chưa cao. Mới đây, TPHCM thêm giải pháp rất hiệu quả là thành lập hội đồng phát triển ngành theo kinh nghiệm học tập từ nước ngoài, dù chậm nhưng đồng chí đánh giá như vậy là đã nhìn rõ giải pháp tháo gỡ bất cập trong thời gian tới.
Một hạn chế khác mà TPHCM cần khắc phục, là tổng thể môi trường và điều kiện xã hội với người lao động TP còn khó khăn, khi thời gian lao động công nghiệp dài, điều kiện đi lại, nhà ở còn khó khăn. Từ đó, người dân ngại có con. Tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, nếu không có lao động nhập cư thì TPHCM không đủ lao động.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tăng ngân sách cho TPHCM sẽ nộp Trung ương nhiều hơn
Một trong những hạn chế khác được đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh là tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đây là thực tế mà cách đây 3 năm, TPHCM báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị cho ý kiến khắc phục. Từ đó, TPHCM được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, để trong ngắn hạn có thể tăng thu ngân sách TPHCM. Về dài hạn là cho phép TPHCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ ngân sách Trung ương. Sắp tới, TPHCM sẽ báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại TPHCM, để tăng phần nộp về Trung ương và tăng phần thu của TPHCM.
Đề án này, mới nhìn là mâu thuẫn, vì TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ để lại cho TPHCM từ 18% hiện nay lên 24%, tức phần nộp về Trung ương sẽ thấp hơn, giảm từ 82% còn 76%. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, TPHCM là trung tâm kinh tế hiệu quả cao của cả nước, có năng suất lao động gấp 2,7-2,9 lần so với cả nước; đồng thời một đồng vốn đầu tư công thu hút được 10-14 đồng vốn đầu tư của xã hội và 1 năm có thêm 126.000 lao động. Đây là những căn cứ quan trọng, cho thấy rõ khả năng khi để lại TPHCM nhiều hơn thì thu hút vốn đầu tư xã hội đầu tư nhiều, tạo ra được sản phẩm lao động gầp gấp 3 lần… Do đó, khi TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM từ 18% lên 24% thì sau 5 năm, TPHCM sẽ nộp ngân sách Trung ương nhiều hơn so với nếu TPHCM được giữ lại 18%.
Đề cập rõ hơn về việc này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, trong suốt 5 tháng qua, TPHCM đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án này và đưa ra được các số liệu cụ thể chứng minh. Cụ thể, nếu để TPHCM được để lại 24% trong giai đoạn 2021-2026 và 28% trong giai đoạn 2026-2030 thì so việc TPHCM vẫn chỉ được 18% trong 10 năm tới, phần ngân sách TPHCM nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng.
Đồng thời ngân sách TPHCM cũng được sử dụng tăng thêm khoảng 390.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở khoa học khẳng định, khi để lại TPHCM nhiều hơn thì TPHCM sẽ nộp ngân sách về Trung ương sẽ nhiều hơn và TPHCM cũng thu được nhiều hơn. “Tỷ lệ để lại cho TPHCM cao hơn, nhưng số tiền tuyệt đối nộp về Trung ương sẽ cao hơn trước, mà căn cứ quan trọng là hiệu quả kinh tế của TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Đánh giá về các dịch vụ hạ tầng phục vụ người dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dù còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Song, trong 5 năm qua đều có tiến bộ rõ ràng và TPHCM sẽ tiếp tục làm trong dài hạn. Theo đồng chí, mỗi ngày TPHCM thải ra hơn 9.000 tấn rác, nhưng 10 năm qua, 10 năm sau và xa hơn nữa, TPHCM sẽ tắc chuyện xử lý rác. Đó là do TPHCM quy hoạch tốt các khu xử lý rác và hiện nay các đơn vị đang chuyển đổi công nghệ xử lý từ chôn lấp đạt vệ sinh sang đốt rác và tái chế.
Về cấp nước, TPHCM đã quy hoạch cấp nước sạch cho TP đến năm 2050, khi dân số tăng thêm hàng triệu người vẫn có đủ nước sinh hoạt.
Về tình hình ngập nước, đồng chí phân tích, TPHCM đối diện với nguy cơ ngập ngày càng tăng vì nước biển dâng, mặt đất sụt lún và mưa nhiều hơn. Mặc dù vậy, tình trạng ngập thực tế đang ngày càng giảm. Cụ thể, TPHCM giải quyết ngập do mưa ở 25/36 tuyến đường trục chính (đạt khoảng 69% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020). Các quận huyện cũng báo cáo đã khắc phục xong tất cả 179 tuyến đường, hẻm ngập do quận - huyện quản lý (đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020)... Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cũng kêu gọi người dân, MTTQ giám sát các số liệu này và nơi nào còn ngập thì có ý kiến để khắc phục ngay.
Còn với 9 tuyến đường chính bị ngập do triều, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị huyện Nhà Bè khẩn trương làm việc với các hộ, bàn giao mặt bằng trong tháng 7-2020 để dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng - PV) có thể hoàn thành trong tháng 10-2020.
Trong công tác này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp chống ngập dài hạn, tầm nhìn 30-50 năm.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tăng tốc thi đua 200 ngày
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong 6 tháng đầu năm, TPHCM tập trung thực hiện đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận - huyện và Đại hội đại biểu TP lần thứ XI và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU có 715 trong tổng số 747 điểm đen tồn đọng rác đã được giải quyết, giảm 95,7%. Đối với 32 điểm còn lại, tập trung ở quận 9 (13 điểm), quận Thủ Đức (11 điểm), huyện Bình Chánh (3 điểm) và quận 1, quận 4 (đều 1 điểm/quận), lãnh đạo các địa phương này cần phấn đấu giải quyết dứt điểm trước khi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ quận - huyện mình.
Cũng liên quan đến nội dung này, các địa phương đã chuyển đổi được 2.093/2.700 tổ, đường dây rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Kết quả này là đáng ghi nhận, nhưng hiện còn trên 600 tổ, đường dây rác dân lập chưa chuyển đổi ở 10 quận - huyện mà nhiều nhất là quận Gò Vấp (192), quận 5 (156), quận Tân Phú (98), quận 7 (54), quận Tân Bình (46)…
Từ đó, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các quận - huyện chưa hoàn tất việc chuyển đổi hoạt động các đường dây rác dân lập, phấn đấu đến tháng 10-2020 chuyển đổi được toàn bộ.
Một nội dung quan trọng khác trong đợt thi đua 200 ngày là thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, cho thấy 6 tháng đầu năm có 365 vụ xây dựng không phép, sai phép, giảm gần 78% so với cùng kỳ năm trước (có đến 1.580 vụ). Đồng chí đánh giá cao những nơi đã kéo giảm mạnh vi phạm xây dựng, như theo báo cáo quận 4 giảm 100% (6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 1 vụ vi phạm, nay không có vụ nào), huyện Củ Chi giảm 94% (từ 53 vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 thì 6 tháng năm nay còn 3 vụ); quận Bình Tân giảm 93% (từ 170 vụ còn 11 vụ); quận 7 giảm 90% (từ 95 vụ còn 9 vụ). Đồng chí cũng mong muốn người dân, báo chí giám sát kết quả của những báo cáo này, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các địa phương khác tiếp tục kéo giảm vi phạm xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là những nơi có số vụ vi phạm giảm thấp, như quận 10 (giảm 45%), quận 1 và quận 3 (đều giảm 34%), nhất là huyện Nhà Bè (chỉ giảm 7%).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung triển khai những nội dung đăng ký thi đua 200 ngày, trong đó quyết liệt thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, Chỉ thị 23-CT/TU tạo được kết quả cụ thể và xử lý dứt điểm những tồn tại. Cùng với đó là việc chủ động, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó sẽ có hàng ngàn sinh viên Việt Nam từ nước ngoài trở về, các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TPHCM…
Đề cập đến chủ đề năm “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM đã tổ chức đối thoại văn hóa đầu tiên. Từ những phản ánh của các đại biểu, đồng chí đề nghị cần xem xét việc thành lập một trường THPT (bên cạnh Trường Cao đẳng văn hóa TP), để các em có thể học được chuyên môn lẫn chuyên ngành và dành một tỷ lệ ngân sách nhất định để đầu tư vào văn hóa… Đối với các công trình đăng ký sử dụng đầu tư công thì hết sức ưu tiên đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như đồng hành, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến đại hội Đảng các cấp, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu có sự tập trung vào việc chuẩn bị đại hội, nhất là đẩy nhanh tiến độ phương án dự kiến nhân sự, văn kiện đại hội (trong đó phải xác định chương trình, đầu việc trọng điểm của địa phương, gắn với 4 chương trình của TP)... Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tăng tốc thời gian thẩm định hồ sơ nhân sự phục vụ đại hội đại biểu đảng bộ quận - huyện, cấp trên cơ sở.
Phấn đấu hoàn thành hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 8
Trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế TPHCM giảm còn 1-2%. Ngành du lịch lữ hành giảm tới hơn 71%, ngành lưu trú ăn uống giảm 47% so với cùng kỳ, bán lẻ giảm 3,7%... Trong bối cảnh đó, với tăng trưởng thấp (so với cùng kỳ là 7,8%), thu ngân sách đạt 40,2% là kết quả tốt. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây là tiền đề để tiếp tục phấn đấu trong 6 tháng cuối năm.
Liên quan việc hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến nay TPHCM có 8.500 doanh nghiệp phải dừng sản xuất, thì có 3.461 doanh nghiệp đã được hỗ trợ, đạt khoảng 41%. TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp vay 233 tỷ đồng trả lương cho 232.000 người lao động. TPHCM cũng chi hỗ trợ cho những người thuộc diện chính sách gặp khó khăn, lao động tự do, tổng cộng 316 tỷ đồng. Như vậy đến nay có hơn nửa triệu người được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ, UBND TP cần đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn nữa, cố gắng hết tháng 8-2020 là hoàn thành hỗ trợ.
KIỀU PHONG - MAI HOA/SGGP