Biến rác thải thành điện: Cơ hội giải bài toán khủng hoảng ô nhiễm rác

10:42 25/07/2020

Hiện mỗi ngày có khoảng 50.000 tấn rác thải “đổ” ra môi trường, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 35.000 tấn/ngày. Để giải quyết lượng rác thải này, cần có chính sách ưu tiên về công nghệ điện rác.

Nhà máy phát điện từ chất thải công nghiệp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Nhà máy phát điện từ chất thải công nghiệp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thảo luận tại Hội thảo trực tuyến “Cơ hội đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải tại Việt Nam” diễn ra ngày 24/7, giới chuyên gia môi trường đô thị nhận định điện rác là công nghệ tiên tiến cần được ưu tiên số 1 trong giai đoạn hiện nay, bởi nhiều bãi rác chôn lấp đang bị quá tải, gây sức ép lớn đến chất lượng môi trường.

Tuy vậy, việc đốt rác phát điện cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu tư cho công nghệ đắt, hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự cao do rác không được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi về mức giá cũng như giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, địa phương và các nhà đầu tư.

Rác thải đô thị dự báo tiếp tục gia tăng

Chia sẻ về hiện trạng rác thải hiện nay, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, cho biết rác thải đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống nếu không được xử lý triệt để, đặc biệt là các đô thị.

Theo thống kê, hiện nay, mỗi ngày có khoảng 50.000 tấn rác thải “đổ” ra môi trường, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra 7.000-8.000 tấn rác, trong đó trên 80% rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

“Việc này vừa không tận dụng dụng được nguồn tài nguyên cũng như tạo ra năng lượng, mà còn tăng chi phí thu gom, vận chuyển do bãi chôn lấp ở xa khu dân cư. Vì thế, việc đầu tư công nghệ xử lý tái chế rác thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề cần được ưu tiên xử lý,” ông Tiến nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, cũng nhận định hiện nay Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc xử lý rác thải do lượng rác phát sinh hằng năm tăng từ 10-12%.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 858 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày; rác thải nông thôn phát sinh chiếm khoảng hơn 14.000 tấn/ngày; nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 40-45%.

“Điều đáng nói là, với tốc độ phát triển hiện nay, sắp tới, lượng rác thải nông thôn sẽ giảm xuống do đô thị hóa. Vì thế, rác thải đô thị sẽ tiếp tục gia tăng,” ông Dũng dự báo và cho biết dù công tác thu gom vận chuyển rác thải hiện đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên việc đầu tư công nghệ vẫn gặp nhiều khó khăn; nhiều nơi còn thiếu các điểm tập kết, phân loại tại nguồn chưa tốt, công nghệ chủ yếu vấn là chôn lấp.

Trong khi đó, cơ chế chính sách chưa đáp ứng được các yêu cầu của cơ chế thị trường, chưa thu hút các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải để đảm bảo vệ sinh, mang lại hiệu quả kinh tế.

Cần chính sách ưu đãi

Trước thực trạng nêu trên, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, cho rằng để giải quyết vấn đề rác thải hiện nay, giải pháp đặt ra là cần phải hướng đến việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Dũng, hiện nay công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm, có thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường nhất là trong bối cảnh việc chôn lấp rác thải đang gặp nhiều khó khăn và cần phải giảm quy mô của công nghệ chôn lấp tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị hiện nay.

Dù vậy, ông Dũng cũng lưu ý việc áp dụng công nghệ đốt trong xử lý chất thải rắn ở Việt Nam cần được cân nhắc kỹ lưỡng theo các điều kiện sau: Liệu có đủ rác thải để lò đốt được hoạt động liên tục? Vì nếu không có đủ rác, chi phí để bảo trì lò đốt sẽ rất cao mà doanh thu từ việc sản xuất năng lượng lại thấp.

Thứ hai là năng suất tỏa nhiệt của chất thải. Liệu có biện pháp được thực hiện tại địa phương có chứng minh được chất thải rắn đô thị sẽ tạo ra nhiều điện hơn số lượng điện nó sử dụng trong một lò đốt? Bởi cái khó của việc xử lý rác thải là độ ẩm cao và thành phần rác hữu cơ nhiều. Như vậy phải có công nghệ, 1 là ép rác, 2 là phân loại.

Hơn nữa, công nghệ đốt rác đắt. Với chi phí ít nhất 40 triệu USD cho 300.000 tấn rác/năm, liệu phi phí này có phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương?

Từ những băn khoăn trên, ông Dũng cho rằng điều quan trọng là nguồn đầu ra của năng lượng cần phải có chính sách của nhà nước và địa phương trong việc ưu đãi, liên kết với hệ thống cung cấp và đảm bảo giá thành điện rác. Vì thế, công nghệ cần phải có chính sách đồng bộ từ cấp chính phủ địa phương và các nhà đầu tư.

Có chung quan điểm, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, cho rằng về mặt kỹ thuật của công nghệ điện rác có thể khắc phục được, nhưng giá thành như thế nào để điện lực có thể mua được, người dân cũng có thể mua được. Như vậy vấn đề đặt ra là phải có 1 chính sách ưu đãi.

Chia sẻ ở góc độ đơn vị xử lý rác thải, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám Đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, cho biết: Hà Nội hiện đang được phân ra thành 3 vùng, tại các vùng này đã có quy định về hoạch định các khu vực quản lý chất thải từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ quy hoạch này, thành phố Hà Nội đang triển khai các dự án xử lý chất thải. Trong đó đặc biệt là khu xử lý chất thải ở Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) hiện nay 1 ngày đang tiếp nhận 5.000-5.500 tấn rác thải sinh hoạt, với công suất 4.000 tấn/ngày đêm. Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.

Ngoài ra, một số dự án đốt rác phát điện khác cũng đang triển khai như: Dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày đêm, dự kiến vận hành vào tháng 8/2022 do đang chậm tiến độ; dự án khí hóa rác sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày đêm; dự án nhà máy điện rác Xuân Sơn-Sơn Tây công suất 1.500 tấn; dự án đốt rác phát điện tại Đồng Kế, công suất 1.200 tấn/ngày đêm./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục