Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/ giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 75km/giờ), giật cấp 10.
Thực hiện Công điện số 36/CĐ - TW ngày 08/11/2020 của Ban chỉ đạo Trung uong về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ”.
Về công tác thông tin tuyên truyền, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở, Sở Thông tin và Thành phố các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình diễn biến bão số 12 tới chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó; kịp thời phản bác những thông tin giả mạo, sai sự thật gây hoang mang, lo sợ hoặc chủ quan cho người dân.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam kịp thời đưa tin dự báo bão thông báo về vùng nguy hiểm và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn.
Đối với công tác đảm bảo thông tin liên lạc, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đáp ứng thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ứng phó với bão, mưa lũ; sẵn sàng phương án triển khai hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ khi có yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn hoàn tất công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và triển khai ứng phó với bão số 12; đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thông tin liên lạc bằng các hình thức thông tin cho chính quyền địa phương các cấp để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bão số 12, mưa lũ sau bão.
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng khôi phục nhanh hệ thống thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
Các doanh nghiệp viễn thông di động sớm hoàn tất công tác khôi phục hệ thống thông tin liên lạc do ảnh hưởng của bão số 9, gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, anten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, xăng dầu, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của bão; sẵn sàng triển khai các đội ứng cứu thông tin đến các khu vực chịu ảnh hưởng để khắc phục nhanh khi có sự cố.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, hạ tải thiết bị treo trên các cột, trụ ăngten thu phát sóng di dộng - BTS tại khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão; Triển khai hệ thống sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo tình hình của bão, mưa lũ và chỉ đạo ứng phó thiên tai tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng khi có chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão sạc pin điện thoại, đổi pin điện thoại đã được sạc; tăng cường tổng đài giải đáp khách hàng, hỗ trợ việc nạp tiền điện thoại, sửa chữa máy bị hỏng, ngập nước ...; chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão khi có yêu cầu
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam duy trì nghiêm chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng phương thức thoại trên tần số cấp cứu khẩn cấp, tiếp nhận, chuyển tin kịp thời đến các địa chỉ nhận tin theo quy định. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đặc biệt lưu ý đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng con người trong quá trình triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ và ứng cứu thông tin.