TPHCM giải ngân đầu tư công phần vốn bồi thường đạt hơn 98%

14:36 16/01/2025

Hơn 34.400 tỷ đồng phần vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được giải ngân, đạt tỷ lệ 98,36%. Đây là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh công tác giải ngân đầu tư công của TPHCM năm qua gặp khó khăn.

Người dân huyện Hóc Môn làm thủ tục bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Ảnh: NGÔ BÌNH
Người dân huyện Hóc Môn làm thủ tục bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Ảnh: NGÔ BÌNH

Thông tin từ Sở TN-MT TPHCM cho biết tính đến hết ngày 9-1, số tiền giải ngân đã ra khỏi Kho bạc Nhà nước là hơn 34.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,36%. Đây là số tiền đã được chuyển cho các ban Bồi thường giải phóng mặt bằng địa phương để thực hiện chi trả cho các hộ dân.

Trong đó, có nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân đạt 100%, như quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, quận Tân Phú, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi. Huyện Cần Giờ giải ngân đạt 100,06%.

Năm 2024, số vốn được bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 35.007 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ so với năm 2023.

Trong năm 2024, Sở TN-MT đã tổ chức hơn 38 cuộc họp/làm việc giao ban định kỳ hàng tháng, trực tiếp làm việc tại cơ sở với các đơn vị được giao vốn bồi thường lớn hoặc các đơn vị giải ngân chậm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị.

Sở TN-MT đánh giá nhiều đơn vị đã có nỗ lực tích cực. Trong đó, nhiều quận huyện có tổng số trường hợp phải di dời nhiều, số tiền giải ngân lớn, tỷ lệ giải ngân đạt cao: UBND quận Bình Thạnh giải ngân đạt 99,999% số tiền gần 12.800 tỷ đồng, với 4.438 trường hợp bị ảnh hưởng.

UBND TP Thủ Đức giải ngân đạt 98,08% số tiền hơn 9.000 tỷ đồng, với 2.327 hộ dân bị ảnh hưởng. UBND quận 8 giải ngân đạt 97,17% số tiền hơn 5.700 tỷ đồng, với 1.764 trường hợp bị ảnh hưởng. UBND quận Bình Tân giải ngân đạt 99,02% số tiền hơn 2.800 tỷ đồng, với 1.076 trường hợp bị ảnh hưởng.

Các quận huyện Hóc Môn, 12, Nhà Bè, 4, Gò Vấp, 10 đều giải ngân đạt 95% trở lên.

Qua theo dõi, đôn đốc công tác giải ngân phần vốn bồi thường, theo Sở TN-MT có một số hạn chế làm chậm tiến độ giải ngân.

Trong đó, công tác lập dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án chưa chính xác, dẫn đến một số dự án sau khi UBND địa phương đã xác lập xong hồ sơ của từng trường hợp bị ảnh hưởng thì số thực tế chi trả cho người dân thấp hơn dự toán nên làm giảm tỷ lệ giải ngân.

Bên cạnh đó, cũng có những dự án tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngoài nguyên nhân do điều tra, khảo sát ban đầu chưa chính xác, còn có nguyên nhân do dự án chậm tiến độ, dẫn đến “trượt giá”.

Liên quan yếu tố quy hoạch, do các chủ đầu tư, các sở chuyên ngành khi lập, trình, phê duyệt dự án không căn cứ vào quy hoạch được duyệt. Từ đó dẫn đến sau khi dự án được duyệt lại phải đi thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp mới có thể thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong khi công tác điều chỉnh quy hoạch không được thực hiện kịp thời.

Công tác bố trí tái định cư cũng còn bất cập, khi UBND địa phương dự kiến nhu cầu tái định cư không chính xác, không đầy đủ. Sở Xây dựng chậm giải quyết kiến nghị của UBND địa phương liên quan đến bố trí quỹ nhà đất phục vụ tái định cư.

Các hạn chế trên dẫn đến UBND địa phương không thực hiện được việc trình duyệt, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (vì chưa có quỹ tái định cư), người dân không đồng thuận (vì bố trí tái định cư không phù hợp)… làm chậm tiến độ giải ngân vốn bồi thường.

Chủ đầu tư chưa thực hiện hoàn chỉnh pháp lý của dự án đã xin bố trí vốn cho dự án, dẫn đến việc khi Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng địa phương triển khai các thủ tục liên quan công tác bồi thường thì không triển khai được.

Sở TN-MT vừa có văn bản báo cáo UBND TPHCM và Sở Nội vụ, đề xuất khen thưởng các quận, huyện có tổng số trường hợp phải di dời nhiều, số tiền giải ngân lớn, đạt tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên, các đơn vị và cá nhân thực hiện xuất sắc công tác tham mưu và phối hợp.

MAI HOA/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục