Nhiều tỉnh/thành quyết định cho học sinh đi học lại
Đến cuối giờ chiều 28/2, nhiều địa phương đã công bố lịch đi học lại cho học sinh các cấp và sinh viên sau đề nghị của Bộ GD-ĐT, đa số các địa phương cho học sinh nghỉ đến hết 7/3, trừ học sinh THPT đi học lại từ 2/3.
Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 28/2, tỉnh Đồng Tháp quyết định cho học sinh lớp 9, học sinh THPT, giáo dục thường xuyên và sinh viên cao đẳng, đại học trở lại lớp vào ngày 2/3. Riêng học sinh các khối lớp còn lại sẽ tiếp tục nghỉ thêm 1 tuần.
Tỉnh Gia Lai cũng cho học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3; học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học đến hết ngày 8/3.
Tỉnh Bình Định và Sơn La cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học đến hết ngày 8/3. Học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3.
Tại Nghệ An, học sinh THPT đi học lại vào ngày 2/3, học sinh THCS đi học lại vào 9-3, bậc mầm non và tiểu học đi học lại vào 16/3. "Trước khi học sinh đi học lại, các trường phun thuốc tẩy trùng một lần nữa. Với cấp THPT, các trường cần phun sẽ tiến hành vào ngày 29/2. Cấp mầm non, tiểu học phun trước hai ngày học sinh trở lại trường", ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết.
Trước đó trong buổi sáng 28 và chiều 27, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có các cuộc khảo sát ý kiến của phụ huỳnh về việc cho học sinh đi học trở lại.
Theo đó, phiếu lấy ý kiến được gửi cho tất cả phụ huynh có con đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Theo thông tin từ nhiều trường, đa số phụ huynh bày tỏ nguyện vọng muốn cho con nghỉ học tiếp vì lo lắng dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Rất ít phụ huynh muốn con trở lại trường.
Có những trường 100% muốn cho con tiếp tục nghỉ học. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng cần tham chiếu kênh chuyên môn, căn cứ vào khung thời gian năm học của Bộ GD ĐT đã điều chỉnh chứ không nên "đá quả bóng vào chân phụ huynh".
Tẩy trùng, khứ khuẩn trường học để đón học sinh trở lại
Để chuẩn bị đón trẻ mầm non, học sinh, sinh viên (HSSV) đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Bao gồm: môi trường xung quanh, các vật dụng thường xuyên cầm, nắm như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, bàn, ghế; phòng học, nhà vệ sinh và các phòng chức năng; thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học và học liệu được sử dụng trong dạy và học, bảo đảm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm từ môi trường, lớp học và các phương tiện được giáo viên, học sinh sử dụng trong quá trình dạy và học.
Chuẩn bị nước sát khuẩn hoặc nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng tại vị trí thuận lợi, ở những khu vực giáo viên, học sinh thường xuyên qua lại sử dụng và có hình thức phù hợp để nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh rửa tay thường xuyên: trước cửa phòng học, phòng thí nghiệm, nhà ăn, nhà vệ sinh.
Đối với các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho giáo viên, học sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu hướng dẫn giáo viên thực hiện và phối hợp với gia đình học sinh hướng dẫn học sinh thực hành hằng ngày các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên, đúng lúc, đúng cách; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đưa, đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục có dịch vụ đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, mỗi ngày hai lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh phải tiến hành lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe; thực hiện nghiêm các yêu cầu quy định về an toàn vệ sinh, khử khuẩn trước, trong và sau khi đưa đón học sinh.
Trước khi học sinh đến trường, gia đình kiểm tra thân nhiệt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở; nhắc nhở học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên tự đo thân nhiệt trước khi đến trường (bảo đảm chỉ đến trường khi sức khỏe bình thường); không cho học sinh đến trường khi có biểu hiện không bình thường về sức khỏe.
Kiểm tra thân nhiệt của cả người đưa đón trẻ?
Báo Thanh Niên cho biết, lãnh đạo UBND Hà Nội và phòng GD-ĐT các quận, huyện trên địa bàn thành phố này đã tích cực trang bị thêm các vòi nước, bồn rửa tay, xà phòng, dung dịch rửa tay khô… cho các trường học để học sinh được rửa tay thường xuyên hơn trong suốt thời gian ở trường.
Tuy nhiên, hầu hết các quận huyện đều cho biết, đến thời điểm này, việc trang bị thiết bị đo nhiệt kế điện tử cho từng lớp học theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là rất khó khả thi, vì khan hiếm hàng và giá thành quá cao. Một số giải pháp được đưa ra như dùng chung nhiệt kế, yêu cầu học sinh cấp trung học tự đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thông thường.
Nêu quyết tâm chỉ đón học sinh khi trường học đã đảm bảo đủ điều kiện phòng ngừa, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội), cho biết sẽ thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các nhà trường trước 2/3.
“Nơi nào làm chưa tốt sẽ không cho đón học sinh trở lại trường. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid -19 của huyện sẽ kỷ luật ban giám hiệu và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng ngừa dịch bệnh của trường đó”, ông Hồng khẳng định.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng nếu không có gì thay đổi thì học sinh toàn thành phố sẽ trở lại trường vào 2/3 tới. Do vậy, trước 28/2, 100 phần trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường học phải được tập huấn đầy đủ về phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cho học sinh; vệ sinh, khử trùng trường học lần thứ 5 vào ngày 29/2 và 1/3 tới; phân công rõ trách nhiệm, lên kịch bản chi tiết… với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; gắn trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm đón trả học sinh trở lại trường.
Đáng chú ý, theo ông Dũng, với các trẻ ở bậc học mầm non, cha mẹ học sinh phải đưa con vào tận lớp học thì cũng cần được tiến hành kiểm tra thân nhiệt để phòng ngừa dịch bệnh lây lan từ chính phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm phải có sổ theo dõi sức khỏe, chỉ số thân nhiệt của học sinh hàng ngày…
Phụ huynh lo thiếu khẩu trang, nước khử khuẩn
Dù các trường đã chuẩn bị các phương án để đón học sinh quay trở lại nhập học, song điều khiến giáo viên, phụ huynh lo lắng nhất là không có đủ khẩu trang cung cấp cho các em học sinh.
Báo Lao Động dẫn lời ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết trường đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đón học sinh trở lại.
"Chúng tôi đã tiến hành khử độc, khử khuẩn các lớp học. Lịch học cũng đã sắp xếp để các em học 1 buổi/ngày và chỉ chờ chỉ đạo từ Sở GDĐT" - ông Phú cho biết.
Tuy nhiên, việc khó khăn nhất với trường bây giờ là tìm không đủ khẩu trang để phát cho học sinh. Mặc dù trường vẫn khuyến cáo mỗi phụ huynh chuẩn bị khẩu trang cho các em nhưng vẫn chuẩn bị khẩu trang dự phòng, tuy vậy lượng khẩu trang dự phòng hiện rất hạn hẹp.
Tương tự, tại một số trường vùng ven của quận Bình Tân cũng lo lắng không đủ khẩu trang nếu học sinh đi học trở lại sớm.
Bà Nguyễn Thị Sơn Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo A (quận Bình Tân) thông tin, hiện trường có khoảng 2.000 học sinh, trong số đó có gần 500 học sinh lớp 9.
Nhà trường đã phát quan, khử khuẩn, chuẩn bị nước rửa tay và các phương án sẵn sàng cho học sinh quay trở lại trường. Tuy vậy, việc trang bị khẩu trang hiện gặp khó khăn.
"Trao đổi với một số phụ huynh, tôi được biết họ không mua được khẩu trang y tế cho con. Hiện chúng tôi cũng không còn đủ khẩu trang để phát cho các em" - bà Sơn Hà thông tin.
Là phụ huynh có con đang học mầm non tại quận Gò Vấp, chị Quyên Trần cũng lo khi tìm mua khẩu trang y tế cho con nhưng không được. "Tôi đi khắp các hiệu thuốc nhưng mua không được khẩu trang. Con tôi còn nhỏ tuôi, đeo khẩu trang vải một thời gian cháu sẽ tháo vì nóng nên tôi cũng rất lo khi cháu đến trường lại" - chị Quyên Trần tâm sự.
Theo báo Dân Sinh, Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, ngành Giáo dục đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài. Cho học sinh đi học trở lại, trường nên chuẩn bị thật tốt khâu phòng dịch và khử khuẩn tại trường học theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhà trường cần thông tin, giảng dạy cho các em thêm hiểu biết về tình hình dịch bệnh Covid-19, thường xuyên cập nhật để các em hiểu và biết cách phòng tránh. Ngoài ra, gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ để phòng nguy cơ cho trẻ.
Đình Nguyên (tổng hợp)