ChatGPT không thể thay thế được sự sáng tạo đến từ cảm xúc trong viết sách, viết văn

08:40 21/04/2023

(HMC) - Tối 20/4, trong khuôn khổ Ngày sách và văn hóa đọc lần 2 – năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã tổ chức Diễn đàn giao lưu với chủ đề “ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay” với mong muốn lan tỏa thông tin và truyền tải nhiều góc nhìn từ các chuyên gia trong lĩnh vực này.  

Tham dự buổi giao lưu có Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cùng các diễn giả: PGS TS Đinh Điền, Giám đốc TT Ngôn ngữ học Tính toán, Trường ĐHKHTN ĐHQG TPHCM; ThS Nguyễn Minh Huấn, Thành viên Thường trực Triển khai Chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) TPHCM giai đoạn 2020-2030; Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE (VoizFM); Ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch quỹ Le Group Venture, Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023 – 2024.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng tặng hoa các diễn giả. 
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng tặng hoa các diễn giả. 

Trao đổi tại buổi giao lưu, PGS TS Đinh Điền cho biết, là một trong nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT trở nên nổi bật và dễ dàng tiếp cận người dùng vì chức năng xử lý ngôn ngữ đa dạng. Ứng dụng này nổi lên như một hiện tượng khi có thể viết văn, làm thơ, tạo ra các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, thậm chí có thể thay lập trình viên viết code… Tuy nhiên, thực tế cho thấy ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn dữ liệu, tính chính xác...

Còn ông Lê Đăng Khoa nhìn nhận, với ưu điểm vượt trội trong xử lý ngôn ngữ, dù ChatGPT chỉ mới được đưa vào hoạt động 7 tháng nhưng rất nhiều công ty đã dùng nó để tạo content (nội dung); viết code, từ đó tăng năng suất, hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, người dùng nên xác định việc dùng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ để không bị lạm dụng dẫn đến mài mòn sự sáng tạo. Đối với các bạn trẻ đam mê viết sách, viết văn, ChatGPT có thể là công cụ cần thiết nhưng không thể thay thế được sự sáng tạo đến từ cảm xúc.

Các diễn giả trao đổi về sự ảnh hưởng của ChatGPT.
Các diễn giả trao đổi về sự ảnh hưởng của ChatGPT.

Chia sẻ về sự ảnh hưởng của ChatGPT đến đời sống, ThS Nguyễn Minh Huấn cho biết, UBND TP đã phê duyệt chương trình trí tuệ nhân tạo năm 2021 nhằm thúc đẩy mục tiêu ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra định hướng để tuyên truyền, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát huy được tác dụng công nghệ của các mô hình như ChatGPT cũng như thấy được những hạn chế, tính cạnh tranh của ứng dụng này.

Độc giả giao lưu tại chương trình. 
Độc giả giao lưu tại chương trình. 

Có mặt tại buổi giao lưu, nhà văn Phương Huyền cho biết chị xem ChatGPT là một nhà tư vấn và tham khảo được nhiều điều bổ ích, nhất là phương thức sư phạm thu hút trẻ em. Tuy nhiên, ở lĩnh vực sáng tác văn chương, nhà văn vẫn có chỗ đứng riêng. Từ ChatGPT có thể gợi ra những câu chuyện rất hay, nhưng so với trí tưởng tượng của nhà văn thì khác hẳn. Đặc biệt với những tác phẩm dành cho thiếu nhi, chỉ có trí tưởng tượng và tình yêu đối với trẻ con thì mới viết được tác phẩm một cách thú vị.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM với kinh nghiệm tiếp xúc các bản thảo sơ khởi cũng cho rằng ChatGPT không thể thay thế phong cách, nét riêng của tác giả. “Chỉ có lao động sáng tạo cá nhân mới khẳng định được tên tuổi người viết” - bà Thanh Thủy chia sẻ.

Hương Thảo

Tin cùng chuyên mục