Sáng 10-12, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa X, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã trả lời ý kiến các đại biểu liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng 10% năm 2025.
Tổng đầu tư toàn xã hội TP.HCM năm 2025 phải đạt 500.000 tỉ đồng
Ông Mãi cho biết vào thời điểm này năm trước, TP.HCM thảo luận chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2024. Ban đầu đề xuất tăng trưởng 6,5%-7%, sau đó Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải đặt ra chỉ tiêu cao để cùng phấn đấu. Sau đó TP.HCM quyết tâm đề ra tăng trưởng năm 2024 là 7,5%-8% và kết quả đạt 7,17%, tiệm cận chỉ tiêu đề ra.
"Nếu ban đầu chúng ta đặt chỉ tiêu 6-7,5% thì bây giờ chắc chúng ta có thể vui mừng. Tuy nhiên chúng ta đặt chỉ tiêu 7,5-8% và đạt 7,17% để thấy chúng ta cần phấn đấu hơn nữa", ông Mãi cho rằng đây là lý do TP.HCM luôn đặt ra các chỉ tiêu cao.
Các đại biểu HĐND TP.HCM nêu ý kiến tại kỳ họp - Ảnh: HỮU HẠNH
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết năm 2024, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều công văn để rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp, có sự phân công thực hiện cụ thể.
UBND TP.HCM cũng đã ban hành chỉ thị 12 về thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và năm 2025. Kết quả từ chỉ thị đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của năm 2024. Sắp tới TP.HCM sẽ sơ kết 4 tháng thực hiện chỉ thị 12, từ đó tiếp tục xác định các trọng tâm, các giải pháp đột phá cho năm 2025.
Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 9-10% và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đặt yêu cầu tăng trưởng trên hai con số (trên 10%).
Ông Mãi nhìn nhận đây tiếp tục là sự thách thức rất lớn, nhất là khi quy mô kinh tế của TP.HCM rất lớn.
Với 1% tăng trưởng của TP.HCM bằng khoảng 1,3% của Hà Nội, 4,1% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng và 17,3% của Cần Thơ.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm của năm 2024, TP.HCM tiếp tục đưa ra các mục tiêu tăng trưởng cao để phấn đấu.
Nói về các giải pháp thực hiện, bên cạnh các giải pháp đã báo cáo trước đó, ông Mãi cho rằng để tăng trưởng 9-10% thì tổng đầu tư toàn xã hội của TP.HCM phải đạt khoảng 500.000 tỉ đồng.
Trong đó đầu tư từ ngân sách là khoảng 100.000 tỉ đồng, còn lại TP.HCM phải huy động khoảng 400.000 tỉ đồng từ xã hội.
Do đó việc tháo gỡ, thúc đẩy các dự án đang tồn đọng rất quan trọng. Bên cạnh đó, TP.HCM đã ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư với các dự án được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay.
Trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ triển khai ít nhất 6 dự án từ chương trình này. TP.HCM tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài, và tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu, kinh tế số, kinh tế xanh...
Dự kiến năm 2024, TP.HCM giải ngân đạt 80%
Về giải ngân đầu tư công, đến nay TP.HCM đã giải ngân đạt 33% vốn được giao. TP.HCM đang tập trung cao độ để thúc đẩy giải ngân trên 80%.
Ông Mãi cho biết vừa qua, ông đã chủ trì rà soát các chỉ tiêu giải ngân. Qua rà soát, khả năng giải ngân TP.HCM năm 2024 đạt 81%. UBND TP cũng đã báo cáo HDND TP các nguyên nhân khiến việc giải ngân dồn về cuối năm.
Năm 2025, TP.HCM dự kiến được giao giải ngân 85.000 tỉ đồng, cùng với 20% vốn từ năm 2024 chuyển sang, năm 2025 TP.HCM phải giải ngân khoảng 100.000 tỉ đồng. TP.HCM sẽ xây dựng đề án về giải ngân đầu công tư cho năm 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn trung hạn 2026-2030.
Đề xuất sửa luật, nghị định khi sắp xếp bộ máy
Cải cách thủ tục hành chính thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến và TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh khi thực hiện sắp xếp bộ máy.
"Chúng ta không phải chỉ nhập các bộ máy lại mà phải xác định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Cái gì trong hệ thống làm, cái gì có thể dịch vụ công, cái gì thị trường làm. Như vậy chúng ta phải kiến nghị sửa đổi luật, các nghị định của các bộ, ngành", ông Mãi nói.
Vừa rồi Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM họp và thống nhất phân công Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải phối hợp ý kiến sở ngành để báo cáo Trung ương trong quá trình sửa đổi luật và các nghị định. Đồng thời TP.HCM phải rà soát, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, củng cố lại đội ngũ.
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG/Báo Tuổi Trẻ