Chống dịch Covid-19: Công khai, minh bạch, không giấu dịch

12:05 25/02/2020

Sáng 25/2, tại Trung Tâm Báo Chí TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y Tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi họp báo nhằm thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 đến các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố.

Chống dịch Covid-19: Công khai, minh bạch, không giấu dịch

Tại cuộc họp, ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông khẳng định nguyên tắc xuyên suốt trong công tác phòng chống dịch là công khai, minh bạch và không giấu dịch. Ông Cường cũng đánh giá cao công tác phối hợp truyền thông của báo chí và các cơ quan ban ngành tại TP. Hồ Chí Minh. Bước đầu trong công tác phòng chống dịch đã phát huy vai trò cung cấp thông tin cho công chúng kịp thời.

Đại diện của Vụ Truyền thông cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần nâng cao tính chính xác trong thông tin để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, cần thận trọng trong việc khai thác thông tin tại các nguồn nước ngoài, các thông tin có hàm lượng khoa học về y khoa thấp… “Ví dụ như thời gian qua xuất hiện các thông tin như: Covid-19 có thời gian ủ bệnh 28 ngày hay người đã chữa khỏi vẫn có thể lây bệnh trở lại, hoặc covid-19 có thể lây lan trong không khí được phát ngôn bởi một người không có chuyên môn sâu về y tế… Các thông tin đó được truyền đi một cách “tam sao thất bản” gây hoang mang trong dư luận”, ông Cường nói.

Phát biểu tại họp báo, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y Tế) khuyến cáo người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch. Theo ông Hải đây là thời điểm mà người dân và các cấp các ngành phải cùng chung tay, chung sức phối hợp phòng chống dịch.

Riêng ngành truyền thông cần phát huy vai trò để truyền đi các thông tin chính xác và cần thiết như: Bệnh Covid-19 không lây truyền qua không khí mà lây qua giọt bắn, giọt tiết. Ngoài biện pháp đeo khẩu trang thì việc rửa tay sát khuẩn và hạn chế chạm vào các nơi có nhiều tiếp xúc như tay cầm cửa, vòi nước…

“Mỗi đối tượng sẽ có phương pháp truyền thông khác nhau. Tiếp đến là biện pháp sàng lọc, ví dụ trước khi công nhân đến nhà máy xí nghiệp thì đã có sàng lọc xem họ có nên đến xí nghiệp không. Tiếp nữa là kiểm soát-giám sát nguy cơ đặc biệt các biện pháp phát hiện dấu hiệu như ho, sốt. Việc giám sát khử khuẩn cũng cần thực hiện nghiêm ngặt”, ông Hải nói.

Đại diện Bộ Y Tế cũng cho rằng, việc cho học sinh đi học trở lại đang chờ sự quyết định của Chính phủ. Riêng ngành y tế khẳng định làm mọi công tác tốt nhất để trường học trở thành nơi an toàn nhất, an toàn hơn nhà máy xí nghiệp, hơn các trụ sợ ban ngành… Ngoài ra các biện pháp phòng dịch từ bên ngoài vào, cách ly những người hoặc những khu vực nghi nhiễm đang được thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”. Sáng 25/2 Bộ Y Tế có công văn yêu cầu các tỉnh cách ly tập trung những người đến từ Daegu (Hàn Quốc). Việc cách ly trên được thực hiện bắt buộc và khi chống đối sẽ cưỡng chế cách ly nhằm đảm bảo an toàn.

Đình Nguyên

Tin cùng chuyên mục