Nhân dịp đầu năm mới xuân Ất Tỵ 2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có cuộc trò chuyện với báo chí về những điểm nhấn trong năm qua cũng như kỳ vọng phát triển TP trong những năm tới.
Nghị quyết 98 cơ bản đi vào cuộc sống
. Phóng viên: Thưa ông, năm 2024, TP.HCM đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan, nếu đúc kết một từ để nói về năm qua, đó sẽ là từ gì?
+ Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Chọn một từ để đánh giá một năm là điều rất khó. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh sắp tới, tôi chọn từ nền tảng để nói về nền tảng cho sự bứt phá, vươn mình của TP để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
. Với chủ đề năm 2024 là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98, TP.HCM đã đạt được kết quả ra sao và dự kiến tiếp tục thực hiện thế nào?
+ Năm qua, Nghị quyết 98 đã được TP.HCM triển khai cơ bản, đồng bộ với việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, giúp huy động bước đầu các nguồn lực. Trong đó, với cơ chế về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, chúng ta nhìn thấy rõ sự chuyển biến trong tổ chức hoạt động cho TP Thủ Đức; gỡ vướng về quy hoạch, đầu tư công…
Có thể nói năm 2024, Nghị quyết 98 đã cơ bản, toàn diện đi vào cuộc sống và chắc chắn trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo, nghị quyết này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn.
Trong chuyển đổi số, TP.HCM đã tập trung vào cả ba trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đạt được kết quả rõ ràng trong từng lĩnh vực.
Về chính quyền số, TP.HCM cố gắng đến cuối năm 2025 sẽ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình ít nhất 80% và phát huy mạnh mẽ ứng dụng Công dân số TP.HCM như là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp (DN) và chính quyền.
Về kinh tế số, TP.HCM sẽ tập trung rất cao và có nhiều chính sách hỗ trợ DN TP chuyển đổi số mạnh mẽ. Hiện TP đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để DN muốn chuyển đổi số hay phát triển khoa học công nghệ sẽ được hỗ trợ đầu tư 30%-100%.
Khi các DN lớn ứng dụng chuyển đổi số sẽ có tác động lan tỏa trong cộng đồng DN. Qua đó, giúp TP.HCM đạt được mục tiêu tỉ trọng kinh tế số trong GRDP là 25% trong năm 2025 và 40% trong năm 2030.
Còn về xã hội số, TP.HCM sẽ hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; giúp người dân tiếp cận được nhiều ứng dụng về y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc làm thông minh, an sinh xã hội…
Nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng
. Để TP.HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2025 thì đâu là giải pháp đột phá, thưa ông?
+ Để tăng trưởng kinh tế, TP.HCM cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ. Trong đó, để tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, TP đang tái cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ cho DN xuất khẩu.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói chúng ta phải liên tục làm mới những động lực truyền thống này bởi suy cho cùng, đây vẫn là những động lực nền tảng, chiếm tỉ trọng lớn trong tăng trưởng.
TP.HCM cũng sẽ phát huy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Những năm qua, TP đã tập trung rất nhiều cho các động lực mới này và đến giờ này, kinh tế số đã tương đối rõ nét, còn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng có những đóng góp nhất định.
Chẳng hạn, nhiều DN TP đã thực hành các tiêu chí xanh để tiếp cận được những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… cho thấy sự chuyển động của cả một quá trình chứ không thể tháng này nói, tháng sau có được.
TP đã nhìn thấy được việc phải nuôi dưỡng các động lực này đến mức đủ lớn mới bứt phá chứ không thể ngay ban đầu đã bứt phá ngay. Bên cạnh đó, tôi cho rằng câu chuyện cải cách thể chế cần được đặt lên đầu tiên, xem đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ, mở đường cho tăng trưởng kinh tế.
Trung ương đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này bởi thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, muốn tạo ra đột phá thì phải cải cách thể chế và đây được coi là đột phá của đột phá.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang nghiên cứu thực tiễn của địa phương để kiến nghị với Trung ương một số nội dung và tự mình làm một số nội dung. Trong đó, thể chế về kinh tế cần được tiếp tục cải cách theo hướng DN, người dân được làm những gì mà luật không cấm, tạo luồng xanh để những nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tiến hành hậu kiểm. Lúc này, Nhà nước tập trung quản lý những việc cần thiết, còn lại sẽ do thị trường, xã hội thực hiện.
. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến việc thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cho các địa phương, kèm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tiềm năng?
+ TP.HCM đã xác định tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 cũng được xem là “khoán tăng trưởng”.
Tức cả nước muốn đạt được tăng trưởng hai con số thì những trung tâm đầu tàu như Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang nhận trọng trách này cũng phải đạt tăng trưởng từ hai con số trở lên.
Với mục tiêu hiện nay, TP.HCM cũng được xem là đã “tự khoán” và sắp tới, nếu Trung ương có khoán cho TP.HCM 11%-12% thì TP cũng sẽ nỗ lực để thực hiện.
TP.HCM không thiếu vốn nhưng cần huy động
. Trước đây ông có nói để đạt tăng trưởng hai con số đến năm 2030, TP.HCM cần ít nhất 5 triệu tỉ đồng?
+ Trong quy hoạch TP.HCM từ nay đến năm 2030, để đạt tăng trưởng hai con số, TP.HCM cần ít nhất 4,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, đầu tư công là 25% (1,1 triệu tỉ đồng), còn lại 3,3 triệu tỉ đồng huy động ngoài ngân sách.
Như vậy, TP.HCM cũng đã xác định nhu cầu phải có ít nhất 5 triệu tỉ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Những dự án này đã được xác định kèm theo hồ sơ quy hoạch.
Với 5 triệu tỉ đồng này, TP cũng đã tính toán tương đối chi tiết. Riêng nguồn vốn ngoài ngân sách, TP cần có những cơ chế, chính sách mà cụ thể là dành nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết các vướng mắc liên quan…
Bên cạnh phát huy Nghị quyết 98, TP cũng sẽ nghiên cứu thêm một số cơ chế, chính sách để thu hút vốn, làm sao để nếu như ngân sách bỏ ra 1 đồng thì thu hút thêm 8-9 đồng ngoài ngân sách. Thậm chí sẽ có các chương trình phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, dự án để huy động ngay nguồn vốn từ người dân TP, trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Tôi tin là chúng ta không thiếu nguồn vốn mà là cách chúng ta huy động như thế nào, sử dụng, giải ngân ra sao.
Để chuẩn bị, ngoài chuyện tìm nguồn để huy động vốn thì TP cần sớm triển khai quy hoạch TP.HCM. Theo đó, TP phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và rà soát các thủ tục về đất đai, đầu tư. Đảm bảo trong năm nay tất cả việc này cơ bản hoàn thành để những năm sau các dự án được triển khai.
Tôi nhấn mạnh lại là chúng ta cần chuẩn bị sâu hơn về quy hoạch, hồ sơ, đội hình, đội ngũ và cả tâm thế mới sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
. Vậy vai trò của trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) trong huy động nguồn lực ra sao, thưa ông?
+ Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, TP.HCM đã khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo. Trong đó, TP.HCM, Đà Nẵng đã cùng Bộ KH&ĐT chuẩn bị trình Quốc hội thông qua nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư.
Song hành với việc này, TP.HCM cũng phải lên kế hoạch đầu tư về hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin… Có kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với TTTC, đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp quản lý, điều hành, phục vụ tại TTTC.
TTTCQT không chỉ có vai trò huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển cho TP.HCM mà còn cho cả nước.
Thực hiện từng nhóm tuyến metro
. Còn kế hoạch thực hiện 355 km đường sắt đô thị?
+ TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện để vận hành tuyến metro số 1 một cách tốt nhất và đảm bảo an toàn nhất.
Đối với đề án đường sắt đô thị, TP.HCM cùng Hà Nội đang làm việc với Bộ GTVT để trình hồ sơ ra Quốc hội nhằm ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách để thực hiện đường sắt đô thị.
Chắc chắn chúng tôi sẽ thiết kế những cơ chế, chính sách vượt trội, từ công tác chuẩn bị, cơ chế thầu để làm sao có một “chìa khóa trao tay” giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án cũng như thời gian thi công 3-5 năm. Đồng thời, phải huy động được nguồn vốn, đào tạo nhân lực, giải quyết các vấn đề tài chính của dự án.
Dự kiến TP.HCM sẽ khởi công tuyến metro số 2 trước và áp dụng các cơ chế, chính sách của đề án lên tuyến metro này như hình thức thí điểm. Sau đó, TP sẽ chuẩn bị và khởi công theo nhóm tuyến với 3-4 hoặc năm tuyến, chứ không thực hiện lần lượt từng tuyến nữa.
TP.HCM vẫn kiên trì 355 km đường sắt đô thị và hoàn thành vào năm 2035. Đây là khối lượng công việc rất lớn, trong quá trình triển khai, TP sẽ mời chuyên gia tư vấn, không chỉ tư vấn thiết kế dự án mà tư vấn quản lý quốc tế.
. Cùng với việc thực hiện quy hoạch TP.HCM, TP cũng đang khởi động nhiều đại dự án như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai… Ông kỳ vọng diện mạo TP.HCM sẽ thay đổi như thế nào, nhất là chất lượng cuộc sống của người dân?
+ Chắc chắn với Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, cùng các kế hoạch chuẩn bị nguồn lực đầu tư thì tôi tin đến năm 2030, TP sẽ giải quyết cơ bản vấn đề hạ tầng.
TP sẽ có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại về giao thông, đô thị, khoa học công nghệ và các hạ tầng xã hội khác. Đồng thời, giải quyết các điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học… Từ đó, môi trường sống, điều kiện sống của người dân và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn.
Theo tính toán, nếu tất cả việc này diễn ra đúng kế hoạch và đến năm 2030 đạt được kết quả đó thì chắc chắn không chỉ sau năm 2030 mà giai đoạn 10 năm sau (2030-2040), TP.HCM sẽ tăng trưởng từ hai con số trở lên.
Tôi tin rằng chúng ta đang tập trung khá đồng bộ, không chỉ về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và cũng có sự đầu tư về hạ tầng pháp lý. Những điều này cùng với sự đầu tư về tổ chức bộ máy và con người, chắc chắn sau năm 2030, TP.HCM sẽ có diện mạo khác và tạo được nền tảng phát triển cho cả giai đoạn sau năm 2030.
. Bước sang năm 2025 với rất nhiều mục tiêu, sự kiện lớn, ông có gửi gắm gì tới cán bộ, người dân cũng như DN TP để cùng bước vào kỷ nguyên mới?
+ Từ tấm lòng của mình, tôi cảm ơn bà con, DN và mọi người dân đã yêu mến, giúp đỡ TP. Trước hết tôi gửi đến mọi người lời chúc tốt đẹp, chúc bà con đón Tết Ất Tỵ vui khỏe.
Nếu nói năm 2024 là năm nền tảng bởi chúng ta đã nỗ lực giải quyết các vấn đề, tạo ra được những nền tảng, điều kiện để sẵn sàng tăng tốc, bứt phá thì năm 2025 sẽ là năm chung sức, đồng lòng, bứt phá, thành công.
Muốn phát triển kinh tế TP thì không chỉ có chính quyền, DN, người dân mà cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người, cùng hành động quyết liệt, bứt phá. Với tinh thần đó, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được kết quả, thành công vì sự phát triển vượt bậc của TP, của đất nước. Và TP luôn sẵn sàng cùng cả nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
. Xin cảm ơn ông.
. Bước sang năm 2025 với rất nhiều mục tiêu, sự kiện lớn, ông có gửi gắm gì tới cán bộ, người dân cũng như DN TP để cùng bước vào kỷ nguyên mới?
+ Từ tấm lòng của mình, tôi cảm ơn bà con, DN và mọi người dân đã yêu mến, giúp đỡ TP. Trước hết tôi gửi đến mọi người lời chúc tốt đẹp, chúc bà con đón Tết Ất Tỵ vui khỏe.
Nếu nói năm 2024 là năm nền tảng bởi chúng ta đã nỗ lực giải quyết các vấn đề, tạo ra được những nền tảng, điều kiện để sẵn sàng tăng tốc, bứt phá thì năm 2025 sẽ là năm chung sức, đồng lòng, bứt phá, thành công.
Muốn phát triển kinh tế TP thì không chỉ có chính quyền, DN, người dân mà cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người, cùng hành động quyết liệt, bứt phá. Với tinh thần đó, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được kết quả, thành công vì sự phát triển vượt bậc của TP, của đất nước. Và TP luôn sẵn sàng cùng cả nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
. Xin cảm ơn ông.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
“Làm mới” cách xây dựng metro
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh bảy tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 355 km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân.
Có thể thấy tuyến metro số 1 từ lúc triển khai đến ngày đưa vào vận hành thương mại chính thức (tháng 12-2024) là một hành trình đầy thử thách với 17 năm, mà bài học lớn nhất có thể rút ra cho TP.HCM chính là cách làm.
Từ cách làm metro số 1, TP.HCM nên đúc kết thành những kinh nghiệm, bài học và cần thiết phải có cách làm mới trong phát triển đường sắt đô thị, góp phần hình thành hệ thống metro hiện đại, phát triển đô thị thông minh.
Quy hoạch TP.HCM định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị). Do đó, nếu khai thác tốt quỹ đất xung quanh các nhà ga metro để làm mô hình TOD thì chắc chắn hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao.
Đề án metro là tín hiệu tốt song để hiện thực hóa là cả một câu chuyện dài và cần nhiều quyết tâm vì cần nguồn lực rất lớn. Trong đó, vốn đầu tư là vấn đề then chốt, đòi hỏi TP.HCM phải có năng lực huy động các nguồn lực triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xây dựng một tuyến metro từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ. Ngay sau đó, Sở GTVT TP đã tổ chức họp với Tập đoàn Vingroup, Sở KH&ĐT và Ban quản lý đường sắt đô thị. Tập đoàn Vingroup cũng đã có báo cáo sơ bộ về phương án đề xuất đầu tư tuyến metro này cho thấy xây dựng metro là vấn đề rất được quan tâm từ Chính phủ đến DN.
-----
TS HUỲNH THANH ĐIỀN, chuyên gia kinh tế:
Cơ hội “bắt kịp” Singapore, Hong Kong
Việc thành lập TTTCQT tại TP.HCM là một bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội lớn cho cả TP và nền kinh tế quốc gia. TP.HCM có đầy đủ tiềm năng để trở thành một TTTC hàng đầu khu vực nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…
Điều quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này là xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, đảm bảo các giao dịch tài chính diễn ra nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng và tăng cường quản lý rủi ro cũng là yếu tố then chốt.
TP.HCM cần triển khai các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các DN quốc tế tham gia niêm yết cổ phiếu tại đây. Điều này sẽ thu hút không chỉ các DN lớn mà còn các công ty dịch vụ tài chính như tư vấn đầu tư, quản lý quỹ và các tổ chức tài chính quốc tế.
TP.HCM cũng cần đầu tư vào đào tạo và hợp tác quốc tế để tạo ra một lực lượng lao động đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một TTTCQT. Một giải pháp mới và thiết thực được đề xuất là TP.HCM cần hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai các chương trình chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế ngay tại TP.
Hạ tầng hỗ trợ cũng là một yếu tố không thể thiếu, một môi trường sống và làm việc lý tưởng sẽ giúp TP trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhân lực chất lượng cao và các nhà đầu tư quốc tế.
Nhìn chung, TP.HCM đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một TTTCQT, đặc biệt trong bối cảnh các TTTC lâu đời như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển đến mức bão hòa.
-----
Ông PHẠM HẢI TÙNG, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực phía Nam:
Nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi logistics quốc tế
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia trong lĩnh vực logistics và hàng hải nhờ vị trí đặc biệt tại khu vực Biển Đông - nơi được coi là điểm trung chuyển quan trọng của thế giới.
Theo đánh giá, cảng này có thể đón nhận lượng tàu biển quốc tế rất lớn đi qua, từ đó giảm đáng kể độ phụ thuộc vào các cảng trung chuyển trong khu vực, đồng thời cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển cho DN.
Để dự án đi vào triển khai và khai thác hiệu quả, TP.HCM cần chú trọng một số giải pháp. Đầu tiên là phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, trong đó tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy để đảm bảo kết nối liên tục từ cảng biển đến các khu công nghiệp và đô thị lân cận.
Kế đó là bảo đảm quy hoạch phát triển bền vững, có tính đồng bộ; bảo vệ sinh thái vùng ven biển Cần Giờ. Một giải pháp nữa là thu hút đầu tư quốc tế. TP cần hướng đến các đối tác quốc tế có kinh nghiệm như Tập đoàn Vận tải biển MSC, việc này không chỉ để huy động vốn mà còn nhằm nhận được những chuyển giao về công nghệ và kỹ thuật…
Có thể nói dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi logistics quốc tế. Tuy nhiên, để dự án thành công, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, DN và đối tác quốc tế.