Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững

08:28 31/10/2020

Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để hướng đến 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ...

Chiều 30/10, hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bước vào phiên làm việc thứ hai với chủ đề “Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.”

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng dự hội nghị.

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hội nghị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần khẩn trương, quyết liệt của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và kiều bào đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, cũng như những chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn mới sẽ được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới-giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để hướng đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới; đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ, áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy, vì thế các đại biểu dự hội thảo cần thảo luận, đề xuất giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Thể chế là động lực của chuyển đổi số, cần phải đi trước, vì thế cần trao đổi sâu, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau; giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực là điểm nghẽn cản trở tiến trình chuyển đổi số của nước ta - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xem các sản phẩm công nghệ mới của doanh nghiệp kiều bào. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xem các sản phẩm công nghệ mới của doanh nghiệp kiều bào. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Đánh giá cao vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách đầu tàu kinh tế, là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, và cũng là trung tâm lớn về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị đóng góp ý kiến để Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn; tin tưởng góp sức của kiều bào, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ để vươn lên mạnh mẽ, phát triển phồn vinh.

Tạo ra cơ hội cho sự đổi mới, sáng tạo

Trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hướng tới thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, cần tiến hành số hóa tài nguyên, dữ liệu cho các doanh nghiệp, Chính phủ, trong đó cần áp dụng giải pháp yêu cầu cung cấp dịch vụ giải pháp số hóa, xây dựng dữ liệu chung cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề có đặc điểm, cấu trúc hoạt động chung. Giải pháp số hóa tổng quát từng nhóm doanh nghiệp, nhóm đơn vị đặc thù để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong chuyển đổi số.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ tài chính cho hoạt động số hóa, các ngân hàng cần phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính số hóa theo từng nhóm ngành nghề để giảm thiểu các rủy ro, giảm chi phí tài chính. Về vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp, từng ngành cần nghiên cứu lại quy trình sản xuất kinh doanh, cơ chế vận hành của hoạt động quản lý, dịch vụ để từ đó đưa ra giải pháp sáng tạo phù hợp với chu trình kinh tế tuần hoàn.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, ông Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn đồng bào, kiều bào đã nỗ lực, tâm huyết đóng góp trí lực, tài lực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thành phố và Tổ quốc; bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố cùng sự tham gia tâm huyết của kiều bào trên toàn thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiến nhanh, bền vững, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội thế giới, tạo ra những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam nhưng cũng tạo ra cơ hội cho sự đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số, áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhiều ý kiến tập trung tham luận, thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề ứng dụng-thử nghiệm các công nghệ mới cho các xu hướng, nhu cầu mới do dịch COVID-19; ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới trong các lĩnh vực y tế, ngân hàng, sản xuất nông nghiệp.../.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục