Công dân số của đô thị thông minh

10:16 08/02/2025

Chỉ với “một chạm,” người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện thủ tục hành chính, tương tác với chính quyền, mua sắm trực tuyến an toàn. Đó là những công dân số - lực lượng then chốt giúp TPHCM chuyển mình, xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Tình nguyện viên hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số tại UBND phường 12, quận 3, TPHCM
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số tại UBND phường 12, quận 3, TPHCM

Tương tác “một chạm”

Những ngày đầu năm, tại nhà ga metro Bến Thành (quận 1, TPHCM), rất đông hành khách xếp hàng để sử dụng tuyến metro số 1. Từng đoàn khách xếp hàng ngay ngắn, trên tay mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại di động thông minh, mở sẵn mã vé điện tử được mua thông qua ứng dụng HCMC Metro để qua cổng soát vé điện tử.

Đứng xếp hàng chờ qua cổng soát vé, chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, do đã mua vé điện tử trên ứng dụng nên chị cùng người thân chỉ cần quét mã QR và cửa soát vé tự động mở mà không cần nhân viên kiểm tra vé. Việc mua vé điện tử giúp chị Hương vừa không mất thời gian xếp hàng chờ mua vé, thanh toán tiền mặt vừa không cần mang theo nhiều tiền mặt.

Cùng với mua sắm, thanh toán trực tuyến, người dân TPHCM đã quen dần với việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Việc ứng dụng chữ ký số cũng đang được nhân rộng khi các địa phương đều có lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Như tại UBND phường 12, quận 3 (phường được thành lập sau khi sáp nhập phường 13 vào phường 12), ngay từ những ngày đầu hoạt động, phường đã cử lực lượng tình nguyện viên thuộc tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và cài đặt chữ ký số.

Theo sự hướng dẫn của tình nguyện viên, bà Lê Thị Mai (60 tuổi, ngụ phường 12, quận 3) đã nhanh chóng làm quen, đăng ký thành công chữ ký số miễn phí. Gia đình bà có phòng trọ cho sinh viên thuê nên thường xuyên thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cho khách trọ. Việc cài đặt chữ ký số, thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp bà chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể nộp được hồ sơ.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, với mục tiêu đưa nền hành chính lên môi trường số, TPHCM đã đưa vào khai thác nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính TPHCM hoạt động trơn tru. Đặc biệt, ứng dụng Công dân số TPHCM được ra mắt vào cuối năm 2024 là ứng dụng tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Ứng dụng này hướng đến cung cấp các tiện ích cho người dân (từ thực hiện thủ tục hành chính đến tra cứu thông tin); người dân gửi phản ánh, kiến nghị và cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, thông báo công khai trên ứng dụng. Ngay sau khi ra mắt, ứng dụng đã được rất đông người dân cài đặt, sử dụng.

Mỗi người một danh tính số

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, TPHCM luôn xác định các ứng dụng công nghệ thông tin phải hướng đến việc người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi nhất; tất cả các ứng dụng phải xoay quanh nhu cầu, lợi ích của người dân. Do đó, sau khi ra mắt ứng dụng Công dân số TPHCM, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng, trở thành công dân số. 

Hành khách thanh toán phí đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ app Apple Pay. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hành khách thanh toán phí đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ app Apple Pay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Lâm Đình Thắng khẳng định, để hướng đến đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, xã hội số, điều quan trọng nhất là phải có công dân số. TPHCM đã thành lập 2.620 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 11.000 thành viên cùng tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân về công tác chuyển đổi số, hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID...

Cùng với các tổ công nghệ số cộng đồng, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Công dân số, với mục tiêu mỗi người dân có một danh tính số.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, cho biết, các lực lượng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền thông qua ứng dụng Công dân số TPHCM. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội; trải nghiệm phương tiện công cộng hiện đại, đặc biệt là tuyến metro số 1.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, để hình thành những công dân số của TPHCM, trước hết người dân phải hiểu và sử dụng được các dịch vụ trực tuyến đảm bảo an toàn, thuận tiện. Vì vậy, các tình nguyện viên sẽ hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy, thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Phát biểu tại các hội nghị gần đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhiều lần nhấn mạnh, để bước vào kỷ nguyên mới thì phải chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào mọi hoạt động của đời sống. Đặc biệt là phải có công dân số, mỗi người dân phải có một danh tính số để tương tác trên môi trường mạng.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục là một phần chủ đề năm của thành phố, TPHCM tập trung cao để tiếp tục hoàn thiện chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng chí khẳng định, chính quyền thành phố tiếp tục tập trung để công tác chuyển đổi số mang lại những kết quả cụ thể thiết thực, đặc biệt là những tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai các giải pháp để công dân TPHCM trở thành công dân số, cùng thực hiện chuyển đổi số tại thành phố đạt kết quả tốt nhất, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh.

NGÔ BÌNH/SGGP

Tin cùng chuyên mục