Tính từ năm 1993 đến hết năm 2024, TP.HCM di dời 40.407 căn nhà trên và ven kênh rạch (gọi tắt là nhà ven kênh), dự kiến hết năm 2025 thực hiện thêm 3.931 căn, với 2 dự án trọng điểm là rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp) và bờ bắc kênh Đôi (Q.8). Nếu thực hiện đúng tiến độ, TP.HCM di dời 44.338 căn trong 32 năm.
Năm ngoái, TP.HCM giao Sở Xây dựng làm cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch di dời toàn bộ nhà ven kênh vào năm 2030. Qua thống kê của các quận, huyện và TP.Thủ Đức, tổng số căn nhà ven kênh trên toàn thành phố khoảng 39.600 căn, số lượng thực tế được giao cho Viện Nghiên cứu phát triển khảo sát, điều tra xã hội học.
Như vậy, mục tiêu di dời nhà ven kênh mà TP.HCM đặt ra trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tương đương với tổng số căn đã di dời trong hơn 30 năm, từ năm 1993 đến năm 2024. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cuộc di dời lịch sử và toàn diện trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP.HCM.
Nhìn lại quá trình chỉnh trang đô thị, giai đoạn 1993 - 2010 có thể được coi là thành công nhất, khi có hơn 32.000 căn được di dời, đồng nghĩa với chừng đó hộ gia đình cải thiện cuộc sống. Những tuyến kênh ô nhiễm một thời như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé nay mang diện mạo mới, sạch đẹp và khang trang hơn. 15 năm trở lại đây, tiến độ di dời chậm lại, ước tính giai đoạn 2011 - 2025 đạt gần 12.000 căn, chưa bằng con số thực hiện trong nhiệm kỳ 2001 - 2005 (hơn 15.500 căn).
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. ẢNH: NHẬT THỊNH
Trong số các địa phương có nhà ven kênh cần chỉnh trang, Q.8 chiếm nhiều nhất với gần 15.000 căn, tập trung ở 19 tuyến kênh, rạch như bờ nam kênh Đôi, rạch Xóm Củi, rạch Ông Lớn, rạch Ông Nhỏ, rạch Ruột Ngựa, rạch Năng, rạch Nhảy, rạch Du...
Q.8 cũng là địa phương được TP.HCM thí điểm làm trước với một đề án riêng. Kế đến, các quận, huyện có nhiều nhà ven kênh gồm Q.7 hơn 4.000 căn, H.Nhà Bè hơn 4.400 căn, Q.12 gần 3.000 căn, H.Bình Chánh hơn 2.200 căn, H.Cần Giờ hơn 1.500 căn, Q.Bình Thạnh gần 1.100 căn...
TÁI ĐỊNH CƯ GẦN NƠI Ở CŨ
Lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh cho biết việc di dời các hộ dân ven rạch Văn Thánh sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Hiện địa phương đang rà soát quỹ đất trên địa bàn để xây dựng khu tái định cư (TĐC) phục vụ chỉnh trang đô thị.
Các địa phương đang rà soát quỹ đất trên địa bàn để xây dựng khu tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải tỏa nhà trên kênh. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tại Q.8, thống kê sơ bộ số lượng hộ dân phải di dời là 14.950 trường hợp, tương ứng diện tích 124,5 ha, tổng kinh phí bồi thường khái toán là 70.176 tỉ đồng. Địa phương cũng dự kiến 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở TĐC với 9.581 căn, tổng kinh phí hơn 8.560 tỉ đồng. Cả 9 dự án này đều trên địa bàn Q.8, có thể kể đến các khu đất có diện tích lớn, xây dựng nhiều căn hộ như khu TĐC Trương Đình Hội II (P.16), chung cư An Sinh (P.4), khu TĐC cảng sông Phú Định, khu đất số 338 và 1387 Bến Bình Đông (P.15), khu đất số 400 Nguyễn Duy (P.Hưng Phú)...
Để thực hiện đề án, tổng kinh phí khái toán mà Q.8 thống kê khoảng 99.169 tỉ đồng, gồm bồi thường, xây nhà TĐC, nâng cấp đường giao thông hiện hữu, nạo vét kênh rạch, công viên, mảng xanh. Địa phương cũng dự kiến thu về khoảng 99.111 tỉ đồng, gồm 15.570 tỉ đồng từ các căn hộ đã xây dựng và hơn 83.540 tỉ đồng từ đấu giá 4 khu đất do nhà nước đang quản lý và đấu giá 5 khu đất tạo lập sau khi di dời.
Liên quan đề án chỉnh trang nhà ven kênh của Q.8, hồi giữa tháng 1.2025, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM giao Q.8 tập trung hoàn thành các thủ tục pháp lý, hoàn thành công tác kiểm định chung cư Phạm Thế Hiển trước tháng 3.2025. Song song đó, quận hoàn thành công tác rà soát, hoàn thiện toàn bộ các thủ tục pháp lý có liên quan đối với 4 khu đất do nhà nước quản lý và 9 khu đất dự kiến xây dựng bố trí TĐC trước tháng 6.2025, ưu tiên khởi công sớm dự án nhà ở xã hội số 314 Âu Dương Lân và khu nhà ở TĐC số 400 Nguyễn Duy.
Lãnh đạo TP.HCM cũng giao quận xác định các công việc có thể chủ động thực hiện ngay đối với dự án bồi thường khu vực bờ nam kênh Đôi (đoạn P.5); nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền cho Chủ tịch UBND Q.8 quyết định một số nội dung, công việc liên quan đến công tác đấu giá, quy hoạch, lập đề xuất chủ trương đầu tư.
HUY ĐỘNG HƠN 221.000 TỈ ĐỒNG BẰNG CÁCH NÀO?
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM, đánh giá việc di dời gần 40.000 căn nhà trong 5 năm tới tại TP.HCM là một thách thức lớn về mặt tài chính khi tổng chi phí ước tính khoảng 221.370 tỉ đồng.
Để thực hiện đề án này, TP.HCM cần huy động nhiều nguồn lực bên ngoài như phát hành trái phiếu công trình, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án hợp tác công - tư, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và nhà ở TĐC; và thu hồi vốn từ khai thác quỹ đất sau khi di dời để phát triển các dự án thương mại và nhà ở.
Ông Thắng cho biết đa số người dân muốn được TĐC tại chỗ hoặc gần nơi mình ở lâu nay để duy trì cuộc sống ổn định và tiếp tục gắn bó với cộng đồng quen thuộc. Do đó, việc sử dụng đất công, nhất là các khu đất đang bỏ trống để xây dựng khu TĐC sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vừa giảm lãng phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Việc quy hoạch hợp lý và sử dụng đất công để phát triển các khu TĐC giúp đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững, hỗ trợ công tác chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống. "Khi người dân được TĐC gần nơi ở cũ, chi phí và thời gian cho việc di dời sẽ giảm đi đáng kể, đồng thời giảm bớt các vấn đề về giao thông và vận chuyển", ông Thắng nói thêm.
Vị đại biểu này cho rằng TP.HCM cần cung cấp nhiều lựa chọn bồi thường cho người dân, bao gồm tiền mặt, đất TĐC, hoặc nhà ở TĐC. Việc đánh giá giá trị tài sản thu hồi phải công bằng và minh bạch, bao gồm cả giá trị đất và công trình trên đất để mức bồi thường phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản.
Ngoài ra, cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi nhà đất, giúp họ có thể tìm kiếm việc làm mới và ổn định cuộc sống. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người dân sống dựa vào nông nghiệp hoặc các ngành nghề truyền thống.
Ban hành cơ chế vượt trội huy động nguồn lực
Liên quan việc xây dựng đề án chỉnh trang nhà ven kênh, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức cuộc họp và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện. Đồng thời, xác định đây là cuộc vận động lớn của TP.HCM về cải tạo nhà ở trên và ven kênh, rạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước và chỉnh trang phát triển đô thị.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM lưu ý đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả, khả thi, thực chất, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân.
Về các công việc trọng tâm, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu khẩn trương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác quỹ đất, quy hoạch hệ thống kênh, rạch. Đồng thời tiến hành điều tra, phân loại kỹ từng trường hợp thuộc diện bị di dời, giải tỏa cụ thể (nhà trên kênh, nhà ven kênh, các trường hợp liền kề; về nhân khẩu, nguồn thu nhập, ngành nghề, lao động).
Các cơ quan bám sát Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách vượt trội để kêu gọi, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia; đồng thời nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách về an sinh xã hội, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao đời sống của người dân sau khi di dời, giải tỏa.