Đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh

15:34 10/02/2020

(HMC) – TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020, tăng 30-40% so với lượng thực hiện cùng kỳ năm 2019 trong trường hợp dịch bệnh lan rộng cộng đồng

Người dân mua các thực phẩm thiết yếu tại siêu thị/ Nguồn: Zing.vn
Người dân mua các thực phẩm thiết yếu tại siêu thị/ Nguồn: Zing.vn

Với mục tiêu ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch nCoV để đầu cơ, găm hàng, tăng giá và để người dân an tâm, chủ động phòng, chống dịch viêm phổi cấp nCoV trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch “Đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra”.

Theo đó, có 03 nguồn cung cấp chính là: Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường, chiếm từ 30% - 40% thị phần; Các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần; Các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Về các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường, Sở Công Thương phối hợp các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp, tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020, tăng 30-40% so với lượng thực hiện cùng kỳ năm 2019 trong trường hợp dịch bệnh lan rộng cộng đồng.

Cụ thể, ở nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP sẽ dự trữ lương thực 3.319,9 tấn/tháng và 9.959,8 tấn/3 tháng; Trứng gia cầm  62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng; Đường: 1.748,5 tấn/tháng và 5.245,5 tấn/3 tháng; Thực phẩm chế biến 631,7 tấn/tháng và 1.895,1 tấn/3 tháng; Dầu ăn 929,5 tấn/tháng và 2.788,5 tấn/3 tháng; Rau củ quả 6.409 tấn/tháng và 19.227 tấn/3 tháng; Thịt gia súc: 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng; Thịt gia cầm: 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng.

Đối với mặt hàng sữa, TP sẽ dự trữ sữa bột dành cho trẻ em 71 tấn/tháng và 212,9 tấn/3 tháng;  sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường): 75 tấn/tháng và 225 tấn/3 tháng; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai 11,7 tấn/tháng và 35,1 tấn/3 tháng; sữa nước 130.051,17 lít/tháng và 390.153,50 lít/3 tháng.

Đồng thời, Thành phố cũng giao cho một số doanh nghiệp chủ lực tập trung chuẩn bị lượng lớn hàng hóa đảm bảo cung ứng thị trường trong giao đoạn phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có kế hoạch ứng phó, đảm bảo cung ứng, sẵn sàng cung ứng vượt 30-50% kế hoạch của Thành phố giao.

Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; Ban Quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.

Các hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại, Cửa hàng tiện lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ từ 02 - 03 lần so tháng thường.

Trong giải pháp đảm bảo cung - cầu ngắn hạn, TP tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường; Phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cung cấp thông tin chính xác tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa... xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng; Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; Trong tháng 02/2020, các doanh nghiệp sản xuất phối hợp hệ thống phân phối sẽ tổ chức bán hàng giảm giá từ 10-15% tùy theo mặt hàng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Về dài hạn, TP chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa; Theo dõi, đánh giá, định hướng thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu mua các nguyên liệu, sản phẩm trong nước, tăng cường dự trữ đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng thời, chuẩn bị phương án nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác thay thế, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; Đẩy mạnh công tác phát triển điểm bán, cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn;…

Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Sở Công Thương chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang; vận động các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có chính sách, chế độ chăm lo người lao động hợp lý để an tâm tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng trong giai đoạn cấp bách.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm cục bộ để đầu cơ, gom hàng, tăng giá bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục