(HMC) - Từ đầu năm đến tháng 10/2019, trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP đã phát hiện, bắt giữ 37 vụ với 46 đương sự và 40 phương tiện có hành vi vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt với số tiền 627.550.000 đồng; tịch thu 4.500 m3 cát và 103 máy bơm hút cát D24, D20, 870m ống hút cát.
Công an TP đã phát hiện 56 vụ vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản (36 vụ khai thác cát trái phép và 20 vụ vận chuyển, kinh doanh cát trái phép), tham mưu cho cơ quan chức năng ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) với tổng số tiền 348.525.000 đồng, tịch thu tang vật và phương tiện gồm 499m3 cát, 03 ghe bơm hút, tạm giữ 4061,4 m3 cát để tiếp tục xác minh.
Công tác kiểm tra, xử lý bến thủy nội địa, bãi tập kết cát, sỏi, Công an TP phát hiện 38 bến bãi tập kết khoáng sản, vật liệu xây dựng không phép; tham mưu cơ quan chức năng ban hành 25 quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền là 180.500.000 đồng.
Đây là số liệu thống kê sơ bộ về kết quả kiểm tra xử lý khai thác cát trái phép, kinh doanh vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp triển khai theo “Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP và các tỉnh”, được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 03/6/2019.
Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận, nhu cầu sử dụng cát xây dựng, san lấp tăng cao trong khi nguồn cung cấp từ các mỏ cát được cấp phép lại rất ít, lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát trái phép cao. Vì thế, nhiều đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để khai thác, vận chuyển cát trái phép, tập trung tại khu vực huyện Cần Giờ. Đây là vùng giáp ranh với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Hầu hết các phương tiện vi phạm đều từ các địa phương khác đến; một số đối tượng còn lợi dụng hợp đồng mua bán, vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre..., sau đó, cho phương tiện chạy qua khu vực biển Cần Giờ để khai thác cát trái phép.
Triển khai Đề án, các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ. Trong đó: Công tác trao đổi, cung cấp thông tin về các dự án nạo vét tận thu khoáng sản, các mỏ cát đã được cấp phép ở các tỉnh giáp ranh được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đối với việc nghiên cứu lập quy hoạch bến thủy nội địa (bao gồm các bến thủy nội địa gắn với kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng), Sở Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến góp ý của các ngành, hoàn thành dự thảo Tiêu chí về điều kiện hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi UBND TP xem xét, ban hành. Công tác phối hợp và xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng các tỉnh giáp ranh, Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam về cung cấp thông tin, dữ liệu hành trình để giám sát chặt chẽ các phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát hoạt động trên vùng biển Cần Giờ, trên các tuyến luồng hàng hải thuộc địa phận TP đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP thực hiện.
Hiện nay, khi phát hiện, bắt giữ các phương tiện (đặc biệt là các phương tiện có trọng tải lớn như xà lan) thì phải neo tạm tại các bến phao - do các công ty đầu tư và vận hành - nên yêu cầu phải trả kinh phí neo đỗ hoặc di dời đi nơi khác để phục vụ khai thác. Vì vậy, để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao theo Đề án và trên cơ sở thực tiễn, Công an TP và UBND huyện Cần Giờ kiến nghị cần sớm xây dựng, bố trí khu vực neo đậu, tạm giữ các phương tiện vi phạm.