Để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng

07:41 14/02/2021

Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Rất nhiều người dân vui mừng cho rằng việc thành lập thành phố Thủ Đức là thật sự cần thiết, để nâng cao vị thế của TPHCM, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước. 

Hạ tầng đô thị được ưu tiên phát triển ở TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hạ tầng đô thị được ưu tiên phát triển ở TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xác định yếu tố cốt lõi 

Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM
Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM

Với vai trò là thành phố vệ tinh của TPHCM, Thủ Đức sẽ được tiếp nhận những lợi thế của đô thị thông minh nhưng cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Để thành phố Thủ Đức phát triển, trở thành một thành phố vệ tinh đúng nghĩa, tôi cho rằng cần phải xác định những yếu tố cốt lõi, làm nền tảng vững chắc. Trong đó, đội ngũ nhân sự, cơ chế chính sách và lòng dân là xuyên suốt, không thể tách rời.

Về đội ngũ cán bộ, Thủ Đức phải tìm ra được những nhân tố trẻ, giỏi, đủ sức, đủ tầm để vừa phát huy được thế mạnh vốn có của TPHCM, vừa cập nhật những cái mới, hiện đại của thế giới và khu vực. Đặc biệt, người đứng đầu thành phố Thủ Đức phải nhận được sự ủng hộ của người dân cả 3 quận. Đó phải là người có tầm nhìn, có tâm, dám quyết và dám chịu trách nhiệm, là trung tâm của sự đoàn kết nội bộ, vị tha nhưng quyết liệt, giữ vững nguyên tắc; là người sống chừng mực, chan hòa.

Cơ chế là yếu tố không thể không có khi phát triển Thủ Đức trong tương lai. Ở đó, phải có một cơ chế đặc biệt hoặc phải có một nghị quyết riêng cho Thủ Đức giống như Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội dành cho TPHCM. Việc phân quyền - ủy quyền phải rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Những việc đã được ủy quyền thì chính quyền Thủ Đức phải có quyền quyết định và chịu trách nhiệm. Đầu mối để chỉ đạo, để được xin ý kiến ở cấp trên cũng nên được xác định rõ ràng. Trong đó quy định rõ một đầu mối cho một nhóm vấn đề, tránh tình trạng phải đi xin ý kiến lòng vòng. 

Nhân sự tốt, cơ chế tốt phải song hành với hợp lòng dân. Phải tăng cường sự lắng nghe ý kiến của người dân một cách thấu đáo và có hướng giải quyết đến nơi đến chốn, thấu tình, đạt lý. Điều gì chưa giải quyết được thì phải báo cáo tường tận cho dân hiểu. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Thiết nghĩ, có cán bộ giỏi, vừa hồng vừa chuyên, có cơ chế, chính sách phù hợp, được đa số người dân đồng tình ủng hộ, tôi tin rằng Thủ Đức trong tương lai sẽ là một thành phố vệ tinh vững mạnh, phát triển của TPHCM.

Khu đô thị sáng tạo phải có 4 trụ cột chính

PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM
PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

Thành phố Thủ Đức sẽ có khu đô thị sáng tạo nên phải làm sao đạt được mục tiêu để phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Kinh tế tri thức có 4 trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất liên quan đến con người, nguồn lực trí tuệ của con người. Trụ cột thứ hai liên quan đến nghiên cứu chuyển giao đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ ba là hạ tầng về công nghệ thông tin tiên tiến. Trụ cột thứ tư là hệ thống thể chế pháp lý, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu mà Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của thành phố mong muốn hướng tới.

Đi với trụ cột thứ nhất về nguồn nhân lực, trong thời gian tới TPHCM sẽ phải có và thực hiện được các chương trình đột phá cùng với các giải pháp của thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI của TPHCM thông qua, gồm có chương trình đào tạo nguồn nhân lực quốc tế, đặc biệt là chú trọng về phát triển đào tạo về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, về công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị. Trụ cột thứ hai về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành phố sẽ gắn chặt với năng lực nghiên cứu của các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TPHCM, để đẩy mạnh nghiên cứu, phát minh sáng chế. Về đổi mới sáng tạo phải gắn với Khu Công nghệ phần mềm và nơi đây sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối với Khu Công nghệ cao của thành phố để thương mại hóa được các đề tài nghiên cứu. Trụ cột thứ ba về hạ tầng thông tin, thành phố phải có những chính sách, chương trình để đạt mục tiêu phát triển tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến có hiệu quả. Trụ cột thứ tư liên quan đến thể chế chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển, TPHCM phải có những chính sách thúc đẩy phát triển về mọi mặt, đặc biệt là các chương trình trọng điểm cũng như các chính sách liên quan đến tài chính, ngân hàng, các dự báo, thể chế khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế xã - hội và khoa học - công nghệ.

Hiện thực hóa giấc mơ về trung tâm tài chính khu vực

Ông Peter Hồng, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
Ông Peter Hồng, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Ý tưởng xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế đặt tại TPHCM đã có từ 20 năm qua. TTTC là vấn đề hết sức thực tế và căn bản với TPHCM. Bởi lẽ, bất cứ thành phố nào muốn phát triển thì TTTC cũng luôn đi song song. Các thành phố lớn trong khu vực cách TPHCM không quá xa như Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore, Hồng Công, Seoul, Tokyo… đều có TTTC. Riêng TPHCM, TTTC vẫn chỉ là kế hoạch. Giờ đây, TP Thủ Đức được thành lập, sẽ tạo thêm thuận lợi cho cả nước và TPHCM hiện thực hóa ý tưởng đau đáu suốt 20 năm qua.

Điều quan trọng nhất để làm TTTC là cơ chế và đổi mới tư duy. Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của các nước và cần xác định tầm vóc TTTC muốn xây dựng đến mức độ nào? Tương ứng là cơ chế, chính sách thuế khóa mở tới đâu?... Tất cả cần được minh bạch thì nhà đầu tư mới đến. Chúng ta cần thống nhất với nhau, TTTC không phải dành riêng cho TPHCM, không phải để TPHCM cạnh tranh với các tỉnh thành khác, mà TTTC là xương sống của Việt Nam đặt tại TPHCM, để cả nước vươn tầm và tất nhiên TPHCM cũng vươn tầm. TTTC phải được xem là chiến lược kinh tế của quốc gia. Và để nhất quán thực hiện chiến lược quốc gia, tiếp tục cần “lực đẩy” từ Quốc hội, Chính phủ, cùng TPHCM hiện thực hóa “giấc mơ” TTTC. Chắc chắn khi có cơ chế, TTTC được đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong TP Thủ Đức với hạ tầng đô thị hiện đại, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo sẽ thêm hấp lực thu hút các nhà đầu tư tài chính.

Hạt nhân mới đóng góp quan trọng vào sự phát triển TPHCM

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc

Quyết định thành lập TP Thủ Đức đã tạo nên một sức bật mới cho khu Đông và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của TPHCM trong những năm sắp tới. Khu Đông đang có nhiều lợi thế phát triển do vị trí giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm và ngày càng hoàn thiện với trục đường cao tốc và tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố để hình thành một trung tâm mới về kinh tế, giáo dục, công nghệ, thương mại và dịch vụ. Việc thành lập TP Thủ Đức sẽ là đòn bẩy thu hút nguồn lực đầu tư và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực này. 

Giải pháp thực hiện đầu tiên là tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Không thể tái lập chuyện cũ khi các khu dân cư, khu quy hoạch được hình thành, phát triển mà chưa có hạ tầng giao thông, trở thành rào cản thu hút cư dân, nhà đầu tư. 

Tiếp theo là kế hoạch phát triển Thủ Đức phải được thực thi hiệu quả. Phải hoạch định lộ trình cụ thể của từng chuyên đề xây dựng Thủ Đức trong tương lai, để thu hút được đầu tư từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Vấn đề quan trọng khác là cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, khơi thông nguồn lực đóng góp vào quá trình phát triển Thủ Đức. Nghĩa là phải có cơ chế đặc biệt, giống như chính sách dành riêng cho “đặc khu” kinh tế mà nhiều nước phát triển từng thực hiện. Khi đó, thay vì cân nhắc nhiều địa điểm khác nhau, các nhà đầu tư về tài chính ngân hàng, công nghệ sẽ chọn ngay Thủ Đức làm điểm dừng chân.

Cần các thiết chế văn hóa xứng tầm

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng

Việc thành lập thành phố Thủ Đức, hay còn gọi là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của TPHCM, là một bước phát triển mới, tín hiệu đáng mừng, tạo cho người dân thêm mảnh đất mới để cống hiến, để làm việc và là động lực tích cực cho sự phát triển chung của TPHCM. Ai cũng kỳ vọng Thủ Đức sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được, phát triển nhanh nhưng bền vững. Chặng đường phía trước có lẽ còn nhiều thách thức nhưng với định hướng chung của TPHCM, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng cách làm sáng tạo, khoa học…, hy vọng Thủ Đức sẽ hình thành, phát triển hiện đại và trở nên rất đáng sống. 

Tôi rất mong sau này Thủ Đức tạo nhiều không gian văn hóa nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc trưng, mang dấu ấn riêng, hòa cùng dòng chảy văn hóa Sài Gòn - TPHCM, văn hóa Nam bộ. Chúng ta đã có một sự chuẩn mực trong phát triển chung từ TPHCM, nên những thiết chế văn hóa nào đã tốt thì cố gắng phát huy, cơ sở nào cần hoàn thiện thì hoàn thiện sớm. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm, tạo thêm nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật chất lượng, quy mô để phục vụ nhu cầu thưởng thức, nâng cao đời sống tinh thần người dân là điều rất cần thiết. Rất mong các đơn vị văn hóa nghệ thuật cũng sẽ có những chương trình nghệ thuật, giải trí hấp dẫn, lâu dài, bài bản… để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ Đức.

Phải là thành phố xanh

Ông Hắc Thanh Hoàng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM
Ông Hắc Thanh Hoàng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM

Để Thủ Đức tạo được bản sắc riêng và tránh rơi vào vết xe đổ của sự phát triển đô thị nóng, manh mún, bê tông hóa, chính quyền thành phố mới nên đặt tiêu chí xanh sạch đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê hiện nay, cả 3 quận 2, 9 và Thủ Đức chỉ mới có 29ha công viên, 93ha mảng xanh và 53.000 cây xanh là quá khiêm tốn đối với địa phương vốn được hình thành từ huyện nông nghiệp ngoại thành. 

Để có một thành phố xanh sạch, ngay từ đầu, việc quy hoạch phải dành tỷ lệ đất phù hợp cho công viên cây xanh. Cây xanh không chỉ trồng trên vỉa hè, công viên mà cần đưa vào vườn, nhà. Thành phố mạnh dạn dành quỹ đất xây dựng khu rừng nhiệt đới giữa lòng đô thị. Quy hoạch xây dựng thành phố xanh phải khả thi, tránh tình trạng trùm quy hoạch cây xanh lên khu dân cư để lấy chỉ tiêu, con số đẹp, nhưng không đủ năng lực tài chính để giải tỏa đền bù, chỉ gây khó khăn cho người dân.  

Thủ Đức với tiềm lực sẵn có, tỷ lệ diện tích cũng như dân số 10% của thành phố được kỳ vọng đóng góp 30% tổng giá trị sản phẩm địa phương, 4-5% GDP cả nước. Điều này có thể thực hiện được nhưng để có một thành phố hiện đại, mang bản sắc riêng và phục vụ người dân đúng nghĩa, thì việc phát triển kinh tế không thôi chưa đủ mà còn cần môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

NHÓM PV/SGGP

Tin cùng chuyên mục