Doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội mới tại thị trường EU

19:57 20/02/2020

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới sẽ là cơ hội để nâng cao hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội mới tại thị trường EU
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, EVFTA đã mở ra cơ hội TP phải đi trước, tạo thế và lực cho doanh nghiệp - Ảnh: Zing.vn)

TP. Hồ Chí Minh chủ động đầu tư sản phẩm chủ lực

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: EVFTA đã mở ra, cơ hội đã đến nên TP phải đi trước, tạo thế và lực cho doanh nghiệp, hàng hóa, ngành hàng có sức cạnh tranh…

“Chúng ta đã có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực, có đề án về logistics, đề án về thương mại điện tử đã giao cho Sở Công Thương thì sở nhanh hoàn thiện và cố gắng báo cáo trong quý I” - ông Phong nói và yêu cầu rà lại các chính sách để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chủ lực.

Cùng đó là chuẩn bị cho cơ hội nâng cao chất lượng các sản phẩm “made in Vietnam”. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP chứ không để Quốc hội thông qua thì mới chuẩn bị vì đây là một cơ hội để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa với giao lưu doanh nghiệp (DN).

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương lưu ý việc thành lập hội đồng phát triển ngành, trước hết là công nghệ thông tin, cơ khí, hóa nhựa… Sắp tới TP sẽ tiếp tục đối thoại với DN theo từng lĩnh vực cụ thể.

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ cho biết, EVFTA bao gồm hai hiệp định riêng biệt là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). EVFTA về cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng đối với mối quan hệ giữa EU và Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Bộ Công thương - cho biết Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA), với tỉ lệ phiếu áp đảo, đạt tỉ lệ 63,33%. Đây là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định.

Hiệp định EVFTA được các chuyên gia kinh tế toàn cầu đánh giá là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Hàng hóa Việt không còn phải phụ thuộc một thị trường

Phân tích về cơ hội trong hai FTA mới này báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định, đây là cơ hội mở ra lối thoát cho nông sản Việt vốn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Trong bối cảnh việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của Covid-19, EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Ngoài lĩnh vực nông sản thì dệt may cũng sẽ có sân chơi rộng lớn hơn khi hai FTA trên có hiệu lực.

Dệt may là một trong những lĩnh vực nhận nhiều tác động khi EVFTA có hiệu lực - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng
Dệt may là một trong những lĩnh vực nhận nhiều tác động khi EVFTA có hiệu lực - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng

Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu dệt may từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm ngoái. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay. Cụ thể, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ thấy thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3 - 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.

Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những quy tắc ứng xử và chuẩn hóa nguyên tắc hàng hóa khi đối diện với thị trường EU vốn được mệnh danh là thị trường “khó tính nhất thế giới”. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm…

Theo dự tính hiệp định EVFTA sẽ được phê chuẩn vào tháng 5 và sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục