Đối mặt Covid-19: Doanh nghiệp không mất bình tĩnh và lo lắng thái quá

19:34 29/02/2020

Ngày 29/2, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức chương trình “Cafe Huba lần thứ 50”. Đông đảo doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều mối lo trong kinh doanh và thị trường bởi dịch Covid-19.

Đối mặt Covid-19: Doanh nghiệp không mất bình tĩnh và lo lắng thái quá
Chương trình Cafe Huba lần 50 thu hút đông đảo sự tham gia của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đã ghi nhận tình hình khó khăn của doanh nghiệp trước dịch Covid-19. Qua đó chỉ đạo các sở đặc biệt Sở Du lịch, Sở Công Thương, Cục Thuế… đồng hành và có các giải pháp chia sẻ với doanh nghiệp.

Với góc nhìn lạc quan, ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch HUBA cho rằng, dịch Covid-19 càng làm tăng tinh thần giảm phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Bởi thực tế khi dịch bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã khiến cho nhiều ngành hàng trong đó có nông sản gặp nhiều khó khăn khi các phương tiện vận chuyển bị hạn chế bởi dịch bệnh.

Tại chương trình, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, có tham luận: “Covid-19 và hệ lụy phát triển; các vấn đề của kinh tế Việt Nam”. Ông Thiên chỉ ra rằng, không cần tới dịch Covid-19 thì 2020 kinh tế VN cũng vào giai đoạn đặc biệt. Đó là chu kỳ phát triển, tăng trưởng mới.

Ông Thiên nhấn mạnh: “Dịch cúm sẽ qua nhanh dù hệ quả lớn. Người dân và doanh nghiệp cần không mất bình tĩnh, suy đoán và lo lắng thái quá”.

Ông Thiên cho rằng nền kinh tế trong nước còn đối mặt với nhiều thách thức hơn dịch bệnh, trong đó có thách thức đến từ các cường quốcỞ góc độ khác, cuộc cách mạng công nghiệp tiến như vũ bão, không kiểm soát được rủi ro. Sự lệ thuộc vào Trung Quốc của nền kinh tế thế giới ngày càng lớn, Trung Quốc chiếm tới 30% tăng trưởng cả nền kinh tế toàn cầu. Dịch Covid-19 cũng đã cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đến mức nào. Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc là hai cường quốc có mối quan hệ kinh tế sâu với VN và cũng là hai nước đang bùng dịch.

Việt Nam tham gia toàn cầu hóa mạnh mẽ nhưng phải chuẩn bị kỹ kịch bản khi “cuộc chơi” thay đổi cục diện, đặc biệt xuất phát từ các thay đổi từ chính sách của Mỹ.

Dịch Covid-19 cũng cần đặt trong chuỗi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung. Đây là đòn kép của nhân tạo và thiên tạo đến với Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam gắn bó với TQ chặt chẽ nên chúng ta cần có đánh giá sát để có ứng phó thích hợp.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thời gian qua kinh tế Việt Nam đón nhận vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được đánh giá tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ tăng số lượng doanh nghiệp còn quy mô vốn giảm.

“Điều này phản ảnh thực tế Việt Nam đang trở thành địa chỉ cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ TQ dịch chuyển vào do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Ngoài ra, số góp vốn mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh, doanh nghiệp Việt Nam trở thành tọa độ săn lùng của các doanh nghiệp bên ngoài”, ông Thiên nói.

Đình Nguyên

Tin cùng chuyên mục