Đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid-19: DN cần biến thách thức thành cơ hội

20:55 17/02/2020

 (HMC) Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Ngay sau khi công bố dịch viêm đường hô hấp COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA)
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA)

Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ với Trung tâm Báo chí Thành phố, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP (HUBA) cho biết, HUBA đã có nhiều kiến nghị giải quyết trước mắt và các kịch bản dài hạn để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thành phố đối phó với dịch Covid-19.

 *Dịch Covid-19 đang tác động mạnh lên nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại TP như thế nào, thưa ông?

 Ông Chu Tiến Dũng: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, HUBA đã họp với các tổ chức hội, doanh nghiệp thành viên và ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh sự tác động không tốt đến doanh nghiệp ở nhiều ngành.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất ở TP là: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, kho bãi, vận chuyển, bán lẻ. Tiếp đến là các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ), đặc biệt là nông sản xuất thô, phi mậu dịch.

Ngoài ra các công ty phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ TQ hoặc gia công sản xuất cho các công ty của TQ; các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mối quan hệ với TQ, đào tạo nhân lực, cung cấp chuyên gia, sử dụng nhân lực từ TQ… cũng chịu sự tác động trực tiếp khá nặng nề.

Ví dụ như các công ty công nghệ phần lớn chi tiết linh kiện đều sản xuất tại TQ nên bị ảnh hưởng từ đó tác động gián tiếp đến các doanh nghiệp là đối tác ở VN. Việc hạn chế đi lại, kiểm soát phòng dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường giảm sút sức cung cầu do đó nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mua bán cầm chừng ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động. Chi phí phòng chống dịch cũng làm cho doanh nghiệp tăng chi phí.

*Trước sự khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội đã có kiến nghị gì với UBND TP.Hồ Chí Minh để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?

Ông Chu Tiến Dũng: Hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu  tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình về nguyên liệu, lao động, đầu ra của sản phẩm… Rõ nét nhất là ở những ngành dệt may, hàng không, du lịch – lữ hành, lưu trú, kinh doanh ăn uống, xuất khẩu nông sản… Khả năng những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch khó mà khôi phục lại hoạt động như  bình thường.

Chúng tôi đã kiến nghị Thành phố áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất… Bổ sung thêm danh mục ngành nghề vào chương trình kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng kinh tế của thành phố.

*Thưa ông, hiện tình trạng doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn thế nào khi đường hàng không đã có nhiều chặng bay tạm hoãn bay?

Ông Chu Tiến Dũng: Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất của TP phụ thuộc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc như dệt, da giày, cao su, nhựa… vẫn cố gắng duy trì được nếu chọn vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, chứng từ gốc phải chuyển phát nhanh qua DHL bằng đường hàng không nhưng hiện các chuyến bay đến Trung Quốc đã ngưng hết. Doanh nghiệp không có chứng từ gốc đi kèm sẽ không giải ngân được tại các ngân hàng, dẫn đến các hãng tàu không cho nhận lệnh lấy hàng; không có CO form E thì gốc Hải quan không cho ưu đãi thuế nhập khẩu.

Trước thực tế trên, HUBA đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các ngành nghiên cứu, đưa ra những giải pháp tạm thời nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, không bị gián đoạn.

*Tìm cơ hội trong thách thức cũng là một cách lạc quan để vượt qua khó khăn trước mắt. Trong đợt ảnh hưởng có thể kéo dài của dịch Covid-19 cũng sẽ có các cơ hội cho doanh nghiệp trong con đường kinh doanh. Ông có chia sẻ gì về điều này? 

Ông Chu Tiến Dũng: HUBA đã luôn bám sát, nắm bắt các khó khăn, cùng bàn bạc với các doanh nghiệp để có giải pháp cho phù hợp. HUBA đã kiến nghị lên Thành phố các giải pháp tạm thời và các kịch bản lâu dài. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Dịch bệnh là một rủi ro bất khá kháng, gần như không có một giải pháp chung nào để giải quyết mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp các ngành. Để giảm thiểu thiệt hại các ngành, lĩnh vực phải chấp nhận và có biện pháp cho riêng mình.

Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu phòng dịch bệnh của người dân  
Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu phòng dịch bệnh của người dân  

Theo tôi đối diện khó khăn với dịch bệnh hiện nay thì đã có nhiều doanh nghiệp rất lạc quan, họ đã biến thách thức này thành cơ hội. Tôi có thể ví dụ nhanh như có doanh nghiệp đã mua nông sản, trái cây để xử lý chế biến tạo ra sản phẩm mới và bền vững, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa giúp nông dân bớt khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng thị trường sang các thị trường khác, cũng làm giảm được sự phụ thuộc vào thị trường TQ.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ họ đã bố trí lao động một cách hợp lý, cho nghỉ phép luân phiên để phòng ngừa dịch bệnh. Còn như ngành dệt may thì một số doanh nghiệp có thể chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang và các dụng cụ phục vụ phòng chống dịch.

Tôi tin và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp của TP trước vũ bão khó khăn này hãy xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp gắn kết lại với nhau, liên kết hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp phù hợp trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp có thể nhanh chóng biến thách thức thành cơ hội như lấp vào chỗ trống của thị trường do doanh nghiệp TQ đang cung cấp nhưng bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên khan hiếm; tái cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững.

Để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ tổ chức Chương trình cà phê Huba ngày 29/2 sẽ chia sẻ các dự báo kinh tế Việt Nam 2020 với tác động của dịch Covid-19, từ đó sẽ có những gới ý khuyến cáo cho Doanh nghiệp. Hàng tuần Huba tổng hợp từ các hội ngành nghề các thông tin các khó khăn vướng mắc và ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo đề xuất với Thành phố và Chính phủ có các chính sách hỗ trợ kịp thời đặc biệt phục hồi kinh tế sau Covid-19.

 Đình Nguyên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục