Không chủ quan với Covid-19

15:39 17/11/2020

Từ ngày 15/11, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng chống dịch có thể bị phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với mức phạt cũ. 

Nhiều bạn trẻ không đeo khẩu trang tại một quán cà phê
Nhiều bạn trẻ không đeo khẩu trang tại một quán cà phê

Cả nước vừa trải qua 2 đợt chống Covid-19 lớn, kiểm soát tốt tình hình và được quốc tế khen ngợi. Đến nay, Việt Nam đã trải qua 74 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng, điều trị khỏi 1.103 ca mắc Covid-19. Trong khi đó, tại các nước trong khu vực và thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường với tổng số ca bệnh đã trên mức 53 triệu, trong đó, hơn 1,3 triệu ca tử vong. Nhiều nước châu Âu phải lập lại biện pháp phong tỏa hoặc áp đặt lệnh hạn chế mới. Các chuyến bay chở công dân về nước cùng chuyên gia vào Việt Nam làm việc vẫn ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. 

Do vậy, tình trạng nhiều người bắt đầu chủ quan, lơ là, không đeo khẩu trang nơi công cộng; tụm năm, tụm ba, không đảm bảo giãn cách ở tiệm ăn, quán cà phê… thật đáng quan ngại. Dường như nhiều người không quan tâm đến việc phòng bệnh, trong khi ở những nơi công cộng khác như chợ, bệnh viện (nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao), nhiều người không thường đeo khẩu trang. Rất nhiều lý do được đưa ra, nhưng chung quy là “dịch đã hết rồi”; dù TPHCM từng có văn bản yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nếu vi phạm sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng. Mức phạt này xem ra còn khiêm tốn, trong khi lực lượng chức năng cũng không thể tỏa khắp nơi xử phạt, nhắc nhở nếu như mỗi người không tự giác chấp hành… 

Do vậy, từ ngày 15-11, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng chống dịch có thể bị phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với mức phạt cũ. Đây được xem là động thái kịp thời, cần thiết nhằm cảnh báo và chấn chỉnh tình trạng chủ quan trước Covid-19. 

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021, do chưa có vaccine điều trị rộng rãi. Đây chính là những hồi chuông cảnh báo để nước ta triển khai các giải pháp chặt chẽ và thận trọng hơn trong phòng chống dịch Covid-19, tránh nguy cơ với việc dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Khi trả lời trước Quốc hội về giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Bên ngoài sóng to gió lớn, chúng ta phải bao đê cho chặt”. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cũng cảnh báo, cộng đồng còn mầm bệnh hay không chưa thể trả lời được, trong khi mùa đông đang đến, nên nguy cơ dịch bùng phát, lây lan rất cao. Do đó, chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản, như thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế “khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế”.

AN KHÁNH/SGGP

Tin cùng chuyên mục