Tin tưởng đầu tư phát triển khoa học, công nghệ
Ông Henry Bùi Xuân Hoàng - sống ở Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khoa học công nghệ Hoàn Vũ - nhận xét: “Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã mang đến cho chúng tôi một niềm tin mới để mạnh dạn đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phân tử sinh học ở Việt Nam”.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai (bìa phải) - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - trao đổi, trò chuyện với các trí thức kiều bào tiêu biểu trong chương trình họp mặt Xuân quê hương năm 2025
Từng là kỹ sư có 30 năm làm việc cho phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ đặt tại Đại học Stanford, năm 2007, ông Bùi Xuân Hoàng về TPHCM thành lập Trung tâm Phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ nhằm đưa nông sản Việt Nam đạt chuẩn an toàn thực phẩm ra thế giới.
Ông cho biết, lĩnh vực này đòi hỏi đầu tư những trang thiết bị khoa học vô cùng đắt đỏ, nhưng ông tự tin có đủ nguồn tài chính và nhân sự để làm. Ông chia sẻ: “Chúng tôi không cần Nhà nước phải cho tiền để làm mà chỉ mong nghị quyết mới sẽ cho phép các đơn vị tư nhân tiếp cận các dự án khoa học, công nghệ”.
Trước đó, trong hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW diễn ra ngày 13/1, Tổng bí thư Tô Lâm nhận định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa vàng để đưa đất nước tiến xa hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông cũng đánh giá, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực này.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quốc Bảo - giảng viên ngành khoa học kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho rằng, năm 2025 bước vào giai đoạn chuyển mình nên TPHCM cần áp dụng kỹ thuật, công nghệ nhiều hơn. Ông nói: “Việt Nam có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đang làm việc khắp nơi trên thế giới và có thể tận dụng họ”.
Có cơ hội làm việc ở Pháp nhưng từ năm 2016, ông về TPHCM và công tác ở Trường đại học Tôn Đức Thắng theo diện chuyên gia. Tại đây, ông và các cộng sự đã xây dựng phòng thí nghiệm chuyên về vật liệu mới, vật liệu bền vững để phục vụ các công trình có tính thân thiện môi trường.
Đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động trong chương trình họp mặt Xuân quê hương năm 2025
Kiến nghị tận dụng triệt để Nghị quyết 98
Theo ông Bùi Quốc Bảo, lý do khiến một số chuyên gia kiều bào do dự, đắn đo khi về nước làm việc nằm ở trang thiết bị và nhân sự: “Nếu thiếu trang thiết bị tốt, bác sĩ giỏi cũng khó chữa trị những ca bệnh khó. Tương tự, nếu thiếu trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, các chuyên gia, trí thức giỏi sẽ rất khó thực hiện những dự án lớn.
Tôi hy vọng với Nghị quyết 98/2023/QH15 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) là hành lang pháp lý cho việc tự chủ, chính quyền TPHCM có thể tạo ra những quy trình đột phá trong việc bổ nhiệm những chuyên gia cũng như quyết định kinh phí mua sắm trang thiết bị để phát triển khoa học, công nghệ. Mong lãnh đạo thành phố có những quyết sách năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn trong năm mới”.
Tiến sĩ Lê Võ Phương Nga - Giám đốc quản trị tài chính Ngân hàng Đầu tư quốc tế (Pháp), thành viên của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - cho hay, là nơi tập hợp hơn 10.000 trí thức, nhà khoa học, chuyên gia uy tín, AVSE Global sẽ là nguồn nhân tài hùng hậu để đóng góp vào sự phát triển của TPHCM và Việt Nam ở 3 phương diện, gồm tham gia trực tiếp vào các dự án, kết nối nguồn lực, phối hợp tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Tuy nhiên, theo bà, chính quyền TPHCM cần xác định rõ lĩnh vực cần thu hút sự tham gia của lực lượng này: “Chúng ta nói rất nhiều về phát triển khoa học, công nghệ nhưng cần có bản đồ xác định rõ đâu là lĩnh vực ưu tiên của TPHCM, với mức độ ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thế nào”.
Ngoài ra, bà cũng kiến nghị chính quyền TPHCM xây dựng bản đồ về doanh nghiệp trong từng lĩnh vực có khả năng được lựa chọn tham gia và dẫn dắt phần còn lại. Để làm tốt việc này, chính quyền thành phố phải có mục tiêu rõ ràng, nghiên cứu kỹ thị trường cũng như đối tác để biết rõ họ mong đợi gì khi đến TPHCM. Việc này cần có tổ tư vấn về khoa học, công nghệ gồm các chuyên gia trong và ngoài nước.
Bà cho rằng, với Nghị quyết 98 như là tiền đề mở ra những cánh cửa để đi xa, tiến mạnh, ngay bây giờ, chính quyền TPHCM cần tiên phong nắm bắt cơ hội.
Bà Trần Tuệ Tri - kiều bào sống ở Singapore, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose - nhận định, năm 2024, chính quyền TPHCM đã nỗ lực tạo điều kiện để kiều bào tham gia các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội.
Một trong những hoạt động điển hình là đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030”. Đề án này không chỉ giúp tận dụng nguồn tiền lớn do cộng đồng kiều bào gửi về mà còn tạo ra các cơ chế, chính sách thuận lợi để kiều bào tham gia đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Theo bà, để thực hiện đề án một cách hiệu quả, chính quyền TPHCM phải tự định vị cơ hội, phải là nơi để mọi người nhìn thấy sự đột phá, vượt trội chứ không thể đứng yên để mọi người tự tìm kiếm, nhận ra.
Ngoài việc chủ động xây dựng và phát triển hành lang pháp lý để đảm bảo kiều bào tham gia đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ các dự án phát triển, công tác thông tin, truyền thông phải là yếu tố quan trọng trong việc định vị nói trên.
“Cần truyền thông rộng rãi đến những đối tượng cụ thể chứ không thể chung chung. Khi xác định đối tượng rồi, cần có những chương trình cụ thể thì mới kêu gọi được các tổ chức tư nhân tham gia vào đề án” - bà Tuệ Tri nói.
Bà Trần Tuệ Tri - kiều bào Việt Nam ở Singapore, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose - hiến kế phát triển TPHCM trong chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu” diễn ra ngày 18/1
Tạo thuận lợi để trí thức kiều bào gắn bó lâu dài
TPHCM có khoảng 3 triệu kiều bào trong tổng số 6 triệu kiều bào cả nước đang sinh sống và làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lãnh đạo TPHCM luôn xem đây là nguồn lực quan trọng, không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nên thời gian qua đã xây dựng rất nhiều chính sách để phát huy, kết nối được nhiều kiều bào hơn nữa.
Trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt khoảng 9,6 tỉ USD, tăng khoảng 140 triệu USD so với năm 2023. Năm 2024, TPHCM cũng có nhiều thành tựu trong công tác kết nối kiều bào để phát huy nguồn lực tri thức. Đến nay, TPHCM đã thu hút khoảng 500 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học về cộng tác, làm việc tại các trường đại học.
Năm 2025, TPHCM có nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội cần sự đóng góp nhiều hơn của kiều bào. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ cao, chính quyền TPHCM đặt mục tiêu không chỉ thu hút sự tham gia, đóng góp mà còn tạo môi trường làm việc lâu dài cho trí thức kiều bào.
Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để cùng chính quyền thành phố xây dựng những chính sách giúp phát huy tâm, tài, lực của kiều bào để đóng góp cho sự phát triển của TPHCM cũng như cả nước.
Bà VŨ THỊ HUỲNH MAI - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM
|
Nguyệt Minh/Báo Phụ Nữ TP.HCM