Khi xưởng sản xuất là nhà
Gần 1 tháng qua, 1.200 công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Thương mại Đại Dũng trong KCN An Hạ (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã quen dần với việc ăn ở, nghỉ ngơi và làm việc ngay trong nhà máy. “Tôi được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến thể thao, giải trí. Đặc biệt, công tác kiểm soát, phòng chống dịch luôn được doanh nghiệp (DN) và tổ chức công đoàn quan tâm. Điều này giúp công nhân an tâm ở lại sản xuất”, anh Trần Thanh Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết những ngày qua hoạt động của tất cả các bộ phận tại nhà máy không chỉ bảo đảm quy định phòng chống dịch của ngành y tế, mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do DN đưa ra khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Mỗi ngày, ngoài khẩu phần ăn 4 bữa, người lao động (NLĐ) được công đoàn công ty bổ sung vitamin C, trái cây, các loại bánh. Công đoàn cũng tổ chức góc đọc sách, bố trí khu hoạt động thể thao để anh em đánh cầu lông, bóng chuyền ngoài giờ sản xuất. Không chỉ vậy, NLĐ ở lại nhà máy còn được hỗ trợ thêm chi phí để lo cho người thân trong gia đình. Công đoàn cũng thành lập tổ an toàn Covid-19 để lấy mẫu xét nghiệm cho NLĐ 1 lần/tuần.
Theo LĐLĐ TPHCM, đến nay có khoảng 900 DN trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” với gần 10.140 công nhân lao động.
Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, cho biết, tại Khu chế xuất Tân Thuận có hơn 80 DN tổ chức “3 tại chỗ”. Phía công đoàn khu cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm động viên, chăm lo NLĐ ở lại nhà máy. LĐLĐ TPHCM cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở thành lập tổ phòng chống dịch Covid-19 tại các DN để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn sản xuất tại DN.
Ấm lòng lúc khó khăn
Trong thời gian điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương, chị Nguyễn Thị Bé Hai, công nhân may tại Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (quận Gò Vấp), nhận được hỗ trợ 3 triệu đồng qua hình thức chuyển khoản. Đây là khoản tiền lớn với gia đình chị trong thời điểm khó khăn này, bởi cả 5 người trong gia đình chị mắc Covid-19, trong đó có 3 con còn nhỏ.
Chị Bé Hai là một trong số 11.349 công nhân lao động, tính đến nay, được chi hỗ trợ theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn, công đoàn các cấp tại TPHCM còn thực hiện các gói hỗ trợ: chi 2,4 tỷ đồng trợ giúp cho 12.222 trường hợp theo Phương án 03 của LĐLĐ TPHCM; hỗ trợ 147.434 người với số tiền 242 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Hồ Xuân Lâm, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp công đoàn ở TPHCM rà soát, tổng hợp danh sách công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phía tổ chức công đoàn cũng hỗ trợ NLĐ thực hiện các thủ tục để có thể tiếp cận các phương án hỗ trợ một cách nhanh nhất. Đặc biệt, đối với những trường hợp đang bị cách ly hoặc ở khu vực bị phong tỏa, công đoàn cơ sở sẽ thay mặt công nhân lao động thực hiện các thủ tục. Người khó khăn sẽ nhận chi phí hỗ trợ qua tài khoản.
Dịch bệnh xảy ra, nghĩa tình của tổ chức công đoàn đối với công nhân lao động càng thể hiện rõ nét. Khi quận Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ LĐLĐ quận Gò Vấp lập tức trích phần kinh phí từ nguồn quỹ chăm lo công nhân, viên chức, người lao động, mua hàng trăm phần quà gồm gạo, mì, đường, dầu ăn, nước mắm… hỗ trợ khẩn cấp cho NLĐ tại khu cách ly, phong tỏa, nơi bị tạm ngừng việc.
Để giúp công nhân lao động ở nhà phòng dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo, ngoài công tác tuyên truyền, nhiều chương trình chăm lo thiết thực được tổ chức công đoàn TPHCM thực hiện. Từ đó, các chương trình: siêu thị 0 đồng; tổ chức đi chợ giúp công nhân, NLĐ tại khu cách ly; chuyến xe nghĩa tình; thực hiện bếp ăn từ thiện; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, điện nước; đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà... ra đời và chăm lo cho hơn 83.700 người lao động.
Riêng hoạt động đi chợ giúp công nhân hay đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà do LĐLĐ quận 7 thực hiện đã đạt được hiệu quả hơn mong đợi. Nhờ đó, nhiều gia đình neo đơn, già yếu, khuyết tật, công nhân trong khu phong tỏa, khu hẻm nhỏ đã được các thành viên đội tiếp ứng thực phẩm lo giúp thực phẩm đến tận nhà.
Không chỉ vậy, thời gian qua, trên mọi nẻo đường, hẻm nhỏ, từ khu cách ly, phong tỏa đến từng tổ công nhân tự quản, nhà trọ…, cán bộ công đoàn không quản ngại gian khó, có mặt để lắng nghe tâm tư của công nhân lao động, kịp thời hỗ trợ trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, giúp công nhân khó khăn thêm động lực vượt qua dịch bệnh.
Đến nay, Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TPHCM đã vận động và tiếp nhận hơn 200 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu từ các tỉnh thành, các nhà hảo tâm trao tặng để gửi đến tận tay công nhân, NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 những phần quà ý nghĩa.
|