|
Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội chủ trì buổi họp báo
|
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Phước Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP cho biết: TP. Hồ Chí Minh có mối quan hệ hữu nghị với 53 nước. Trung bình mỗi năm, Thành phố đón khoảng 150 đoàn khách quốc tế và nhiều sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức tại Thành phố, thể hiện được sự năng động và hội nhập, phát triển của Thành phố. Điều này không chỉ giúp Thành phố thu hút nhiều nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là điều kiện thuận lợi để quy tụ, tụ hội các nền văn hóa nhiều vùng miền, trong nước và quốc tế.
Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và Hội nhập” năm 2019 được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nước giới thiệu và quảng bá những nét đặc trưng văn hóa về nước mình đến nhân dân Thành phố, đồng thời giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những nét đặc trưng, đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Qua đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa các nước; tạo sân chơi cho cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố hội nhập đời sống văn hóa thành phố và người dân thành phố tiếp cận, hiểu rõ hơn về văn hóa các nước trên thế giới.
Đây là lần thứ 4 Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và Hội nhập” được tổ chức. Năm 2019, Lễ hội sẽ diễn ra trong thời gian 03 ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 01/12/2019 (từ thứ Sáu đến Chủ nhật), tại khu vực Đường đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1.
|
Các phóng viên báo chí, đại biểu tham dự đặt câu hỏi về các nội dung liên quan đến Lễ hội
|
Đối tượng tham gia Lễ hội là: Lãnh sự quán các nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội doanh nghiệp các nước, các doanh nghiệp liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài tại Thành phố; Hội Hữu nghị Việt Nam với các nước và một số tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh; Cộng đồng các nước bạn đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh; cựu du học sinh, du học sinh - sinh viên đang làm việc và học tập tại TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với báo chí, đại diện Ban Tổ chức Lễ hội cho biết thêm: Nội dung chính của Lễ hội lần này gồm: Gian nhà văn hóa các nước, Triển lãm “Hoạt động đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh – Phát triển và Hội nhập”, Triển lãm về các hoạt động môi trường xanh, Khu vực giới thiệu sách, Khu sân khấu, Khu ẩm thực và bán quà lưu niệm, Khu vực trò chơi. Lễ hội cũng tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, múa rối nước, rong diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu ghita, violin, trống, biểu diễn Vovinam, võ cổ truyền… tạo không khí sôi nổi cho Lễ hội.
|
Toàn cảnh buổi họp báo
|
Đến thời điểm này, BTC đã nhận được thông tin đăng ký tham gia Lễ hội của 10 nước. Dự kiến tổng kinh phí tổ chức Lễ hội khoảng 16 tỉ đồng, trong đó có một số hoạt động được xã hội hóa như: khu trò chơi, khu văn hóa đọc, giới thiệu sách…