Mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh

17:19 02/06/2020

(HMC) – Qua kết quả rà soát bước đầu phản ánh của Báo Sài Gòn Giải phóng tại bài viết ““Soi” pháp lý chung cư qua hợp đồng mẫu” số ra ngày 21/4/2020, UBND Thành phố vừa ban hành công văn số 2017 giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban quản lý Khu Nam và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện hiệu quả một số nội dung liên quan.

Mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh
Dự án căn hộ tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TPHCM) do Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG/SGGP

Trong đó, tăng cường công tác phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm cả quy định pháp luật về việc đăng ký và thực hiện hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung mua bán căn hộ chung cư; các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp công khai, minh bạch để người tiêu dùng hiểu rõ và chủ động tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, và để các cơ quan chức năng, đoàn thể, báo chí và nhân dân giám sát.

Đồng thời, xây dựng quy trình, quy chế phối hợp quản lý giữa Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thi hành quy định pháp luật về việc đăng ký và thực hiện hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung mua bán căn hộ chung cư và các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp. Hoàn thành trong tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, các sở - ngành phối hợp UBND 24 quận - huyện tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai.

UBND Thành phố cũng lưu ý nguyên tắc pháp luật là mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; mọi hậu quả do vi phạm pháp luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong bài viết ““Soi” pháp lý chung cư qua hợp đồng mẫu” trên báo Sài Gòn Giải Phóng có đề cập đến vấn đề: Theo quy định, việc mua nhà chung cư hình thành trong tương lai phải thực hiện nội dung theo hợp đồng mẫu của cơ quan chức năng kiểm duyệt. Trên thực tế việc này không hề dễ dàng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, sau đó Quyết định 02 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, đã quy định việc “mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý chung cư cung cấp” nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. 

Hợp đồng mẫu được xem như “lý lịch 3 đời” của căn hộ, đó là căn cứ tất cả hồ sơ pháp lý được phê duyệt, có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà; có xác nhận đủ điều kiện được bán hàng của sở xây dựng; có hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng; có bản vẽ mặt bằng căn hộ; danh mục vật liệu căn hộ và thời gian bảo hành; nội quy nhà chung cư...

Tuy nhiên, khi tra cứu trên trang web của Sở Công thương TP cũng như từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thì thời điểm công bố hợp đồng mẫu từ năm 2018 đến nay, số lượng chủ đầu tư đăng ký không nhiều so với thực tế các dự án mở bán.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục