Tại đầu cầu TPHCM tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan và lãnh đạo các sở, ngành TP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Những thành quả kinh tế - xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, có ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có nhiều mục tiêu tưởng chừng khó đạt được.
Cụ thể, về quan điểm quy mô càng lớn khó có thể tăng trưởng nhanh, điều này không đúng. Bởi vì, năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời kỳ bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016, kinh tế cả nước tăng trưởng 6,21% thì năm 2019, tăng trưởng 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 600 tỷ USD.
Đồng thời, phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô, nước ta đã từng chấp nhận giảm tăng trưởng để giữ vững ổn định vĩ mô trong những giai đoạn trước đây. Năm 2019, nước ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực, cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, giữ vững ổn định tỷ giá, nợ công còn hơn 56%, thu ngân sách vượt hơn 8% Quốc hội giao, quy mô xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD…
Cùng với đó, đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, năm 2019, Việt Nam cùng các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, chất lượng tăng trưởng nước ta có sự cải thiện rõ nét. Đó là đóng góp của năng suất tổng hợp TFP vào tăng trưởng GDP 2019 đạt hơn 46%, chỉ số phát triển bền vững 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc trong khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP
Mặt khác, đánh đổi giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững, một số quan điểm cho rằng, các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để phục vụ tăng trưởng nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường, xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp nước ta đã đạt các chỉ tiêu đề ra, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại…
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động năm 2020; qua đó xác định trọng tâm cho chỉ đạo điều hành năm 2020. Đó là làm sao kết nối và phát huy cao hơn nữa những kết quả kinh tế - xã hội đã đat được năm 2019 và các Bộ, ngành, địa phương đặt ra mục tiêu cao, cùng thiết kế, đưa kế hoạch mục tiêu về đích sớm đạt được những thành tích ấn tượng, toàn diện hơn nữa trong năm 2020. Đồng thời, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp. Mặt khác, làm sao phải khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược cả về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành. Trong năm 2020, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt.
Bên cạnh đó, chỉ ra những động lực mới tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo, chỉ ra động lực cả nước, động lực của từng địa phương, từng ngành…