Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7

08:44 26/07/2024

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, từ sáng sớm, trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất có rất nhiều người trẻ, có gia đình đưa theo con nhỏ đến viếng sớm. Từ 6 giờ sáng 26-7, bộ phận điều phối tại lễ tang đã hướng dẫn người dân xếp hàng trật tự để chờ vào viếng.

Đoàn các trường đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đoàn các trường đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đúng 7 giờ sáng, bộ phận điều phối hướng dẫn người dân trật tự đi vào Hội trường Thống Nhất, kiểm tra an ninh và vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kiểm tra an ninh trước khi vào viếng
Kiểm tra an ninh trước khi vào viếng

Sáng 26-7, Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội); tại quê nhà đồng chí ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội và tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26-7, tại Nhà tang lễ Quốc gia. Lễ an táng diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 1
Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 2

Đi cùng con gái từ 3 giờ sáng đến Hội trường Thống Nhất, bà Trần Thị Kim Hiến (68 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) bày tỏ sự xúc động, lòng thành kính trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Hiến cho biết, bà bị suy tim nên hơi mệt, bà được bộ phận điều phối tại Hội trường Thống Nhất hỗ trợ xe lăn để tiện vào viếng.

Đi cùng con gái từ 3 giờ sáng đến Hội trường Thống Nhất, bà Trần Thị Kim Hiến hơi mệt và được hỗ trợ xe lăn để vào viếng
Đi cùng con gái từ 3 giờ sáng đến Hội trường Thống Nhất, bà Trần Thị Kim Hiến hơi mệt và được hỗ trợ xe lăn để vào viếng

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Hiến và con gái đặt hoa và di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để gia đình tưởng niệm. Bà Hiến cho biết rất ấm lòng khi thấy tình cảm của mọi người dành cho người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân mà bà rất kính yêu.

Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 3
Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 4

Sáng sớm 26-7, khi con đường Lê Duẩn dẫn đến Hội trường Thống Nhất vẫn còn chưa sáng rõ, người dân tại TPHCM với trang phục đen, trắng chỉnh tề đã có mặt trước cổng Hội trường Thống Nhất để chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại một góc công viên 23-9, anh Nguyễn Phúc Duy cầm trên tay chiếc đèn hoa đăng hình bông sen, xúc động cho biết: “Hôm qua đến gần nửa đêm tôi mới về đến TPHCM và có chạy đến đây với hy vọng kịp viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng khi tôi đến thì đã hết giờ viếng. Sáng nay tôi đến thật sớm với mong muốn được vào thắp nén nhang kính tiễn người lãnh đạo liêm chính mà cả gia đình tôi ngưỡng mộ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác đến viếng đồng chí
Bà Nguyễn Thị Tuyết ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác đến viếng đồng chí

Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng. “Bài thơ này tôi hoàn thành vào 23 giờ hôm qua để sáng nay kịp mang đến lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn đồng chí lần cuối cùng. Tôi thường xuyên viết văn, thỉnh thoảng làm thơ. Tôi làm bài thơ này trong vỏn vẹn 10 phút, không theo luật gì hết, tự do nhưng đó là tất cả cảm xúc thật của tôi”, bà Tuyết chia sẻ.

Theo bà Tuyết, chồng bà cũng thường xuyên làm thơ, là người yêu thơ nhưng ông không sửa cho bà bài thơ này vì chồng bà nói đây là cảm xúc chân thành nhất của bà dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Tôi biết và hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ốm, nằm ở bệnh viện nhưng đến hơi thở cuối cùng đồng chí vẫn làm việc, vẫn nghĩ đến quê hương, đất nước, dân tộc mình. Bằng sự ngưỡng mộ người lãnh đạo có đức, có tài nên tôi làm bài thơ này”, bà nói.

Bà Tuyết cho biết, bằng những việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thì bà tin không chỉ riêng gia đình bà mà tất cả mọi người sẽ học tập theo tấm gương của đồng chí để tô điểm, góp phần làm đẹp quê hương, đất nước.

Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 5
Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 6
Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm 26-7 - Ảnh 7

Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục