Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch ​

20:22 08/06/2020

Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động

Tại tổ TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và các ĐB đều đánh giá cao kết quả phòng chống Covid-19 thành công của Việt Nam, với mục tiêu kép. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, năm nay kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, nhất là Mỹ, EU, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong khi đó, hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng cũng giảm sâu. Vì thế, Việt Nam phải đặt ra mục tiêu của mình là gì?

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, mục tiêu thứ nhất là phải giữ thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là. Phải giữ được thành quả đó, vì dịch vẫn hết sức phức tạp, nếu lơ là kiểm soát ở sân bay, cửa khẩu, biên giới, đường mòn thì sẽ hết sức nguy hiểm. Thứ 2, ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vì thế liên tục tăng trưởng. Thứ ba, phải bảo đảm được an sinh xã hội, vừa qua đã triển khai rất nhanh các gói bảo đảm an sinh xã hội, tới đây cần làm tốt hơn. Thứ 4, phải giúp doanh nghiệp (DN) giữ được chân người lao động. “Từ đầu năm đến nay có khoảng 26.000 DN tạm ngừng hoạt động, con số này tăng. Nhưng số DN làm thủ tục giải thể giảm, tức là DN vẫn chờ cơ hội để phục hội phát triển, là tín hiệu tốt, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ DN cả về chính sách thuế, phí.. Cần có gói hỗ trợ nhanh cho DN như vừa qua hoặc cao hơn”, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích. Thứ 5, giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh, nếu giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay thì hiệu quả rất tốt, vì thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân đầu cư công phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, tránh dàn trải, thiếu kiểm soát. “Vì cần giải ngân nhanh, nên phải kiểm soát, kiểm toán chặt chẽ. Trong đó, ủng hộ việc chuyển một số dự án đường cao tốc sang đầu tư công để đáp ứng nhu cầu hạ tầng. Song song đó, cần đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng  Việt Nam. Hỗ trợ thương mại trực tuyến cho xúc tiến đầu tư và tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh còn dịch”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch  ​ - Ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu DN nhà nước, đầu tư cho DN trọng điểm; phát  triển kinh tế tư nhân. “Tới đây Quốc hội sẽ thông qua giảm 30% thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ, nhưng điều mà họ cần nhất bây giờ là tồn tại. DN phải tiếp cận được vốn, mà tài sản thế chấp hiện đang là điểm vướng lớn. Các ngân hàng bây giờ đang rất thận trọng cho DV vay, do đó cần có tổ chức, nhất là các quỹ tín dụng đứng ra bảo lãnh tín dụng cho DN, muốn thế Nhà nước phải hỗ trợ quỹ tín dụng làm việc này”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Cùng quan điểm, các ĐB Trần Anh Tuấn (THHCM), ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đều có ý kiến  tin rằng với sự chỉ đạo toàn diện của Đảng, chúng ta sẽ nhanh vượt qua khó khăn. Điều quan trọng bây giờ là các giải pháp để DN phục hồi, trong đó, cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Các giải pháp đều đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao. Đừng để chiếc xe đang chạy bị hết xăng phải dừng lại giữa đường”, ĐB Nguyễn Văn Chương nêu. Cần xem lại các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã thực sự có hiệu quả chưa, kể cả các chính sách giãn, giảm, miễn thuế phí, cần có đánh giá lại.

Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch  ​ - Ảnh 2

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM)  phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng  cho rằng Chính phủ đã dự báo được tình hình. Tuy nhiên cần tiếp tục đưa ra một số phương án tăng trưởng với những định lượng cụ thể về tác động của dịch đối với nền kinh tế. Phải chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào bị tác động đến đâu. Vì có những ngành sẽ phục hồi nhanh, ngành phục hồi chậm, từ đó đưa ra được những giải pháp cụ thể. ĐB cho rằng, chính sách phải đi kèm thực tiễn, sát thực tiễn, cụ thể. Ví dụ đưa ra các gói an sinh xã hội nhưng nếu không gắn với ngân sách Nhà nước, không điều tra kỹ thì hiệu quả cũng sẽ không như mong muốn. “Gói dành cho hộ nghèo, người lao động mất việc, tại sao có nhiều người tự nguyện không nhận chính sách đó? Qua đó cho thấy không được có chính sách cào bằng. Phải rõ ra được đối tượng nào cần hỗ trợ. Nếu trúng đối tượng thì vừa bảo đảm công bằng, tạo sự đồng thuận, vừa không tốn quá nhiều nguồn lực đất nước. Các gói phải có ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Chính sách đưa ra Quốc hội phải đi kèm dự báo sát thực tiễn”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.

Đầu tàu phải là nơi đáng sống

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ vừa qua đã triển khai: Điều hành linh hoạt, kịp thời, có sự đồng lòng của xã hội, từng người dân, DN, nhưng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Việt Nam rất đẹp, nhu cầu du lịch của dân rất cao, giải pháp nào để kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa thì ngành du lịch cần phải chủ động đề xuất, cùng với đó là sự trợ lực của nhà nước. Bên cạnh đó, là sản xuất hàng hóa nội địa; vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cần chỉ rõ  ngành nào đang cần đẩy mạnh, hàng hóa nào người Việt Nam đang có nhu cầu lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Ví dụ, thịt heo khan hiếm, giá cao, Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa đâu đến đâu, chưa tái cơ cấu được ngành chăn nuôi, chưa tái được đàn, chưa bình ổn được giá. Bởi chính sách thì nhiều nhưng giải pháp không cụ thể, nên không làm được, ngay cả việc nhập khẩu thịt heo về cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, chính sách phải đi liền với dự báo, giải pháp cụ thể, rõ người rõ việc, nếu chỉ nói chung chung thì hiệu quả không thể cao”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích. Song song đó, cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, liệu người lao động có mất việc không; công nghệ thay thế lao động như thế nào, Chính phủ phải đánh giá để có giải pháp, không phải chỉ là việc hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động mất việc trong ngắn hạn, mà căn cơ phải là vấn đề việc làm dài hạn của họ. Cuối cùng là vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách, siết chặt chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại, chứ không đơn thuần chỉ là việc thắt chặt chi tiêu, hoãn tăng lương.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đồng tình quan điểm cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị đất để thu hút đầu tư FDI, điều này các nước đã và đang làm mạnh. “Cần tránh đầu tư cào bằng, không vực dậy được những đầu tàu. Đã là đầu tàu thì phải được đầu tư có trọng điểm để thực sự có sức lan tỏa. Nếu đầu tư trọng điểm cho vùng kinh tế phía Nam, cho TPHCM thì hiệu quả tác động trở lại những vùng miền khác sẽ rất lớn; nếu để TPHCM tụt hậu thì vai trò đầu tàu không được phát huy. Cần có sự chuyển hướng đầu tư, đặt lợi ích quốc gia lên đầu, chỉ khi nơi đầu tàu là nơi đáng sống, có chất lượng nguồn nhân lực cao... thì lúc đó kinh tế quốc gia mới có sức bật”, ĐB Trương Trọng Nghĩa 

PHAN THẢO/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục