Nhiều loại nông sản ở miền Nam sắp cung vượt cầu

10:02 25/07/2021

Cập nhật đến tối 24-7 từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại TPHCM cho thấy, rất nhiều loại nông sản, thực phẩm ở các tỉnh miền Nam đang có dấu hiệu cung vượt cầu, cần phải hỗ trợ thị trường tiêu thụ trong tuần tới. 

Một nhóm thiện nguyện thu hoạch rau xanh giúp nông dân Lâm Đồng, đưa về TPHCM trao từ thiện cho bà con trong các địa điểm cách ly dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG NGỌC
Một nhóm thiện nguyện thu hoạch rau xanh giúp nông dân Lâm Đồng, đưa về TPHCM trao từ thiện cho bà con trong các địa điểm cách ly dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Theo cập nhật của Tổ thư ký Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (được Bộ NN-PTNT thành lập theo công văn số 970 của Thủ tướng Chính phủ) tính đến hết ngày 24-7, đã có tổng số 367 đầu mối, cơ sở đăng ký với tổ công tác về số lượng hàng hoá nông sản - thực phẩm sẽ tung ra thị trường trong những ngày sắp tới. 

Trong đó gồm: 78 đầu mối cung ứng rau củ, 93 đầu mối cung ứng trái cây, 152 đầu mối cung ứng thuỷ hải sản, 24 đầu mối cung ứng lương thực và 120 đầu mối, cơ sở cung ứng các loại mặt hàng, thực phẩm khác...

So với ngày 23-7 thì số đầu mối đăng ký tăng thêm trong ngày 24-7 chỉ có 37 đầu mối. Song theo ghi nhận của tổ công tác, sản lượng nông sản đăng ký tiêu thụ tăng lớn vì các đầu mối có khả năng cung cấp nguồn hàng lớn. 

Từ các số liệu đăng ký, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT đánh giá, trong nhóm rau củ tăng đột biến là sản lượng khoa lang tím và khóm.

Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung báo về từ các đầu mối là trên 700 tấn/ngày. Khó khăn nhất với các nhà vườn hiện nay là sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng đã tới vụ chín nhưng chưa tiêu thụ kịp nên có dấu hiệu rụng trái nhiều ngay trên vườn, chỉ còn dòng nhãn Ido còn tạm thời giữ trên cây. Bên cạnh đó, các loại chanh cũng ghi nhận có sản lượng tăng đột biến. 

Về thực phẩm, tổ công tác ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng ghi nhận dấu hiệu dư thừa thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ. 

"Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Ido, khóm, chanh, khoai lang, gà lông trắng, cua tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu"- một thành viên tổ công tác chia sẻ. 

Đội tình nguyện xã Lộc An (Bảo Lâm - Lâm Đồng) thu hoạch củ cải đưa về TPHCM. Ảnh: HOÀNG NGỌC
Đội tình nguyện xã Lộc An (Bảo Lâm - Lâm Đồng) thu hoạch củ cải đưa về TPHCM. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Thông tin từ tổ công tác, để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giấy tờ kiểm dịch, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương sẽ cùng UBND TPHCM triển khai kế hoạch phối hợp khảo sát thực địa để mở các điểm tập kết nông sản, thực phẩm giữa các địa phương, từ đây sẽ trung chuyển về các chợ đầu mối, các chợ truyền thống sau khi đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, tránh tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa như hiện nay.

Theo tính toán, sản lượng rau màu toàn miền Nam có thể cung ứng từ nay đến cuối năm 2021 là 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng. Riêng 19 tỉnh, thành phố mỗi tháng cung cấp bình quân cho thị trường khoảng 560.000 – 600.000 tấn rau. Về heo, riêng tỉnh Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 9.000 con, trong đó tiêu thụ nội tỉnh chỉ 15%, còn lại 85% đưa về TPHCM và các tỉnh. Lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày trên 85.000 con, tiêu thị nội tỉnh chỉ 5%, còn lại 95% cung cấp cho TPHCM và các địa phương lân cận.

VĂN PHÚC/SGGP

Tin cùng chuyên mục