Khẩn trương tìm nguồn cung nguyên liệu
Theo báo Lao Động, trước tình hình nguyên liệu sản xuất công nghiệp giảm sút do ảnh hưởng của COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị khẩn yêu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.
Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu, phải có những biện pháp khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.
Vụ Xuất nhập khẩu cũng được yêu cầu phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỉ trọng..., những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo từng quý và có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này.
Phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Nghiên cứu, đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế.
Nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.
Giao các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...
Cục Xúc tiến thương mại nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ: Cần giãn, hoãn thuế
Theo báo Tuổi Trẻ, Thủ tướng Chính phủ cho biết do dịch cúm COVID - 19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có cơ sở điều chỉnh một số chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Do đó nhiệm vụ kép của Chính phủ là vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam là nước thành công trong phòng chống dịch bệnh này. Nhưng vì tính mạng và sức khỏe, an toàn của người dân nên Chính phủ phải có biện pháp mạnh mẽ để hạn chế người dân ở các vùng dịch nên ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, hàng không và một số ngành khác.
Trong bối cảnh dịch COVID - 19, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19.
"Những biện pháp về tài khóa như các nước họ đã làm, trong thẩm quyền thì Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ như chậm nộp, hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do COVID - 19" - Thủ tướng quyết liệt.
Ông Lâm Vinh, Giám đốc một công ty vận tải tại TP.HCM, cho rằng việc kiến nghị chủ trương chính sách cần phải có sự quyết liệt, đồng bộ hơn. Có lên tiếng nhưng không hỗ trợ thì kiến nghị có hay đến đâu cũng không hiệu quả.
Thủ tướng đã chỉ đạo ngành thuế giãn, giảm thuế cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. DN vận tải đang trong vòng khó khăn, cần sự chung tay hỗ trợ nhanh từ chính sách để thuận lợi trong việc định hướng kinh doanh, phát triển.
"Bộ Công thương hay Bộ Tài chính, Bộ GTVT nơi nào cũng có nhiệm vụ riêng. Khi ý kiến của đơn vị này không nhận được sự đồng thuận chung, chắc chắn sẽ khó có cơ chế tháo gỡ nhanh. Vì vậy cần phải có tiếng nói chung, mạnh mẽ hơn để cứu DN trong thời gian này" - ông Vinh nói.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công, giảm phí khai thác thủy sản, phí liên quan thú y…
Theo nhận định từ khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Kinh tế chứ không phải an toàn sức khoẻ là điều đáng lo trong dịch COVID-19 ở Việt Nam. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam khá tin tưởng khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam và nỗi lo ngại của người dân đang lớn hơn thực tế.
Theo khảo sát nhanh vừa được Amcham Việt Nam thực hiện với 170 thành viên của mình tại TP.HCM, hơn 50% doanh nghiệp cho biết họ quan tâm đến ảnh hưởng của dịch bệnh lên kinh tế, chỉ có 25% nghi ngại về tác động dịch đối với sức khoẻ.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, đến nay trên 70% doanh nghiệp thành viên của Amcham vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất bình thường (tức từ 70% công suất trở lên), khoảng 17% doanh nghiệp đang hoạt động ở mức 50-70% và chỉ có khoảng 13% thành viên đang hoạt động dưới công suất bình thường 50%.
Dù duy trì được công suất hoạt động ở mức cao nhưng các doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi việc bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Gần 35% thành viên trong ngành sản xuất báo cáo các hoạt động toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nếu dịch bệnh kéo dài, có khả năng hơn 40% doanh nghiệp còn lại sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này.
Hàng không Việt có thể mất gần 18 triệu khách năm 2020
Báo Giao Thông dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đến các lĩnh vực ngành GTVT, ngày 27/2 cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục bị ngừng đột ngột đã tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không. Không chỉ thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng bị ảnh hưởng.
“Cùng với hàng không, các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thuỷ nội địa cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin cụ thể về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay: Từ cuối tháng 1/2020, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 26/2/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hồng Kông.
Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần, tuy nhiên, các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt giảm 41% chuyến bay.
“Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).
Đình Nguyên (tổng hợp)