'Phủ xanh' buýt điện ở TP.HCM, khó cũng phải làm

08:58 12/09/2024

Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM phủ xanh 100% xe buýt điện. Các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh.

TP.HCM hiện có 2.209 xe buýt hoạt động, trong đó 546 xe xanh (sử dụng điện hoặc nhiên liệu sạch CNG) - Ảnh: CHÂU TUẤN  
TP.HCM hiện có 2.209 xe buýt hoạt động, trong đó 546 xe xanh (sử dụng điện hoặc nhiên liệu sạch CNG) - Ảnh: CHÂU TUẤN  

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn thiện đề án lấy ý kiến về kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện.

Chính sách hấp dẫn để "phủ sóng" xe buýt điện

Theo đề án của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lộ trình chuyển đổi phương tiện với hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn thành việc kiểm soát khí thải. Đặc biệt, xem xét lựa chọn huyện Cần Giờ là nơi ưu tiên thí điểm chuyển đổi sang xe điện.

Đến nay, TP.HCM đã hoàn thiện đề án ở giai đoạn 1. Các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu nhiều phương án hỗ trợ đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp. Trong đó phương án tối ưu là hỗ trợ mức vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án cũng như hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án. 

Ngoài ra đơn vị kinh doanh vận tải được hưởng lãi suất vay cố định 3% trong suốt thời gian vay, ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất để tính mức hỗ trợ và lãi suất vay cố định. Đối với chính sách đầu tư trạm sạc, các đơn vị được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỉ đồng/dự án...

Hiện các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải cũng đang nghiên cứu để góp ý về chủ trương phát triển xe buýt điện. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết ủng hộ chủ trương chuyển đổi xe điện. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ một số băn khoăn.

Đại diện Công ty Phương Trang cho biết để chuẩn bị cho việc chuyển đổi của TP.HCM, hiện Phương Trang đang phối hợp để đặt mua buýt điện các loại, đảm bảo cung cấp đủ các tuyến xe buýt đơn vị đảm nhận khai thác. Phương Trang đề xuất cơ quan thẩm quyền sớm có lộ trình đầu tư, xây dựng hoặc có chính sách đơn vị vận tải về đầu tư trạm sạc điện (hỗ trợ quỹ đất lắp đặt trạm sạc, nguồn điện...).

Đồng thời kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét và cần có những quy định về ưu đãi dành cho các đơn vị tham gia dự thầu bằng dòng xe buýt điện trong năm 2024. Cụ thể như ưu đãi về thời gian khai thác, ưu tiên về phương pháp đánh giá... quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu. Đối với những đơn vị tiên phong chuyển đổi cũng nên có chính sách ưu đãi khuyến khích.

Gấp rút giải quyết hai vấn đề cốt lõi

Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) - khẳng định việc chuyển đổi sang xe buýt điện ở TP.HCM là rất cần thiết. 

Để phủ xanh giao thông ở TP.HCM, nên bắt đầu từ xe buýt, xe của cơ quan nhà nước, xe taxi rồi đến xe cá nhân. Trong đó, việc chuyển đổi xe buýt điện phải được ưu tiên triển khai bài bản, đảm bảo tính hiệu quả.

Ông Tuấn nhấn mạnh hai vấn đề cốt lõi mà TP.HCM cần giải quyết. 

Thứ nhất, hiện chi phí đầu tư buýt điện cao gấp 2-3 lần (so với đầu tư các dòng xe trước nay) nên các doanh nghiệp sẽ bị áp lực tài chính. Thành phố cần nghiên cứu cụ thể hơn về chính sách trợ giá vận hành, có thể tính toán cho đấu thầu nhiều tuyến cùng lúc để giảm bớt chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, nghiên cứu trợ giá phù hợp... 

Thứ hai, phải giải quyết vấn đề về hệ thống trạm sạc điện. TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng trạm sạc chung phủ sóng để nhiều doanh nghiệp vận tải cùng sử dụng, ưu tiên kêu gọi tư nhân đầu tư. Đặc biệt phải lấy ý kiến chuyên gia, học hỏi kinh nghiệm các nước về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp thuê mặt bằng, đất đai để đầu tư trạm sạc.

"Thậm chí để khuyến khích đầu tư xe điện, chúng ta có thể xem xét miễn phí chi phí thuê mặt bằng đất xây dựng trạm sạc trong thời hạn 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí 20 năm", ông Tuấn góp ý. 

Ngoài ra để góp phần nâng hiệu quả khai thác các trạm sạc, giảm thiểu chi phí đầu tư trạm sạc và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các xe buýt điện, cơ quan quản lý cần nghiên cứu tối ưu hóa quá trình mở tuyến và xây dựng các trạm sạc đồng thời. 

Ví dụ, xác định từng cụm tuyến mở xe buýt điện và xác định các vị trí trạm sạc đi cùng phục vụ các tuyến này. 

Cần ưu đãi lãi suất vay mạnh hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, trong giai đoạn đầu nên có nhiều chính sách thu hút, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư vượt khó, mạnh dạn đầu tư.

TP.HCM có thể hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn, lãi suất vay ưu đãi hơn, thậm chí bằng 0. Cần xem xét kỹ về năng lực tài chính, quy mô của từng doanh nghiệp để từ đó đưa ra khung chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý nhất.

Việc đầu tư trạm sạc là một trong những yếu tố quyết định tốc độ và hiệu quả của việc chuyển đổi. Ở những huyện xa trung tâm như Củ Chi, Cần Giờ nếu không được bố trí sạc đầy đủ sẽ rất bất tiện cho xe buýt. Trạm sạc được phủ rộng sớm sẽ sớm hoàn thành việc chuyển đổi, việc này có thể thu hút nhà đầu tư tham gia.

Thu Dung - Phương Nhi/TTO

Tin cùng chuyên mục