Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

14:44 06/11/2020

Lần này, việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội, thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu không quá 2 phút.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Phiên chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày để xem xét, chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.

Tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này.

Qua các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân và xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, đề ra các yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau giám sát, theo dõi.

Cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa Kỳ họp.

Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới và đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn nên chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản.

Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời, làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục phát huy ứng dụng của công nghệ thông tin, lần này, việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội.

Chủ tọa điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3-5 đại biểu đặt câu hỏi. Các đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá một phút và người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút đối với mỗi chất vấn của đại biểu.

Thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu không quá 2 phút, mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần.

Với sự chủ động chuẩn bị từ rất sớm của các cơ quan, kinh nghiệm qua nhiều kỳ chất vấn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội này sẽ diễn ra chất lượng, hiệu quả, sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về Tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 19 Báo cáo đầy đủ, chi tiết (gồm 963 trang).

Báo cáo nêu rõ: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng.

Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường...

Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện.

Chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền của người lợi người lao động, an sinh-xã hội, môi trường và ổn định xã hội.

Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

Hệ thống cơ chế, chính sách về nông nghiệp cơ bản được hoàn thiện, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu đãi tín dụng, sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp; rà soát, loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý.

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt trước gần 02 năm so với kế hoạch Quốc hội giao, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên.

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

Về lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, phòng ngừa oan sai.

Nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm: Ma túy, xâm hại trẻ em, hoạt động theo kiểu “xã hội đen,” “tín dụng đen,” mua bán người, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Công tác phòng, chống oan sai trong hoạt động điều tra hình sự được quan tâm; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc

Tuy thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đến nay chưa nhiều nhưng với các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhờ đó đã giảm cả về số vụ, số người chết và tài sản thiệt hại do cháy, nổ.

Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự. Số vụ phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng. Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm chống người thi hành công vụ tăng; công tác quản lý người nghiện ma túy còn bất cập.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng; đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

TTXVN tiếp tục thông tin về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn/.

Đỗ Bình/TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục