Theo đó, Trung tâm điều hành y tế - Sở Y tế Thành phố có mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành; hỗ trợ, góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Cùng với đó là mang lại tiện tích tốt nhất cho nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, bệnh nhân và người dân.
Trung tâm này sẽ tích hơp các hệ thống báo cáo; chỉ đạo, điều hành tương tác nội bộ với các đơn vị trực thuộc; hệ thống văn bản đi – đến; phần mềm tổ chức và quản lý họp thông minh… Sở Y tế đã thí điểm tích hợp kết nối với 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích AI phục vụ cho công tác điều phối cấp cứu; phòng chống dịch bệnh. Trong đó có nhận dạng các đối tượng xấu như trộm cắp, cò mồi; tình trạng quá tải của bệnh nhân, số giường cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115. Ứng dụng này cũng giúp lập barie ảo tại các khu vực phòng mổ, khu vực cách ly hạn chế người ra vào ra, nhận diện hành vi mang vũ khí, đánh nhau, quên đồ... Cùng với đó, Trung tâm có hệ thống tổng hợp phân tích báo chí và mạng xã hội; khảo sát ý kiến của người bệnh nội trú, kết nối với Trung tâm cấp cứu 115. Đặc biệt hệ thống phục vụ điều hành giám sát phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (2019-nCoV)…
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong lúc cả nước đang tập trung công tác phòng chống dịch viêm đường cấp do nCoV, TPHCM đã đưa vào hoạt động trung tâm điều hành y tế thông minh đầu tiên của cả nước. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng; thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo TP, lãnh đạo sở Y tế và các doanh nghiệp có năng lực cao ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP khoảng gần 10 triệu dân. Ngoài ra, khoảng 50 -60% số bệnh nhân khám, chữa bệnh tại TP đến từ các địa phương khác. Như vậy, đầu tư ngân sách cho ngành y tế TP phục vụ chăm sóc sức khỏe cho gần 10 triệu người nhưng ngành y tế TP phục vụ thực chất là con số cao hơn; vì vậy cần nhân lực phục vụ; cơ sở vật chất hiệu quả cao thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc triển khai y tế thông minh nhằm phục vụ cho nhu cầu này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với trung tâm điều hành y tế thông minh, Sở Y tế TP cần phát triển sâu hơn các ứng dụng công nghệ thông tin, AI. Một trong những tác dụng nổi bật khi trung tâm vào hoạt động là người dân được phục vụ tốt hơn theo nhu cầu của mình. Người dân chỉ cần ở nhà nhưng vẫn chọn được cơ sở điều trị, thậm chí chọn được bác sĩ; chọn giờ khám chữa bệnh. Cùng với đó, ngành y tế Thành phố cần phát huy đồng bộ cơ sở vật chất; cập nhật số liệu hàng ngày nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Đặc biệt là công tác dự báo cần được chú trọng hơn. Đây là một trong những đặc điểm của đô thị thông minh phải dự báo hàng ngày. Với trung tâm điều hành y tế, thông qua quan sát từ các bệnh viện cùng chuyên ngành với các hội chẩn, những ca mổ bác sĩ, nhân viên y tế... các bệnh viện có thể cùng lúc học thực tiễn để được nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, với mô hình trung tâm điều hành y tế thông minh có thể đánh giá ý kiến người dân hài lòng và không từ đó ngành y tế có những điều chỉnh kịp thời...
Về Mô hình Trung tâm điều hành giáo dục thông minh, đây là mô hình hướng đến việc đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an ninh và bảo mật.
Trong đó, nội dung được nhiều người mong chờ nhất là Trung tâm điều hành giáo dục thông minh sẽ tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập. Mô hình Trường học thông minh sẽ được thực hiện thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và tại 5 trường THPT gồm chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.